Hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Ðường về nay đã gần hơn

09:06 - Thứ Tư, 17/04/2019 Lượt xem: 7056 In bài viết

ĐBP - Sau hơn nửa năm biệt tích, một ngày trung tuần tháng 3/2019 chị Chơ Thị Cha (bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa) trở về. Vui mừng khôn xiết vì 3 đứa con thơ dại từ nay có mẹ chăm sóc, nhưng người em dâu của Cha là Sùng Thị Kia (ở cùng nhà) bị lừa bán sang Trung Quốc cùng đợt đó tới giờ vẫn bặt vô âm tín. Chị Cha nhớ lại, lần cuối gặp Kia là ở TP. Lào Cai trước khi nhóm buôn người tách chị em họ bán sang Trung Quốc...

 

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng chống mua bán người, phòng chống tội phạm cho hội viên xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo).

Trước mặt chúng tôi là người phụ nữ nhỏ thó, đen nhẻm tiều tụy hơn nhiều so với cái tuổi chưa cập 30. Dù đã trở về nhà bên chồng và 3 đứa con nhỏ, nhưng cứ mỗi lần có người hỏi về những tháng ngày bị lừa bán sang Trung Quốc, Cha vẫn chưa hết sợ. Như thường lệ, sáng hôm đó Cha và em dâu là Sùng Thị Kia đi làm nương thì gặp một người đàn ông lạ. Qua vài ba câu chuyện, nghe Cha kể về hoàn cảnh khốn khó, 3 đứa con nhỏ không có tiền lo toan cái ăn cái mặc; còn Kia sau hơn 2 năm lập gia đình vẫn chưa có con sinh phần buồn chán... Vậy là người đàn ông lạ bèn mở lời giúp đỡ đưa 2 chị em sang TP. Lào Cai bán hàng thuê, thu nhập cao cả chục triệu đồng mỗi tháng. Cha còn nhớ rõ, ngày hôm ấy cũng là ngày đầu tiên cai sữa đứa thứ 3 mới hơn 1 tuổi. Nghe thấy có việc làm thu nhập cao, như “ma xui quỷ khiến” 2 chị em liền gật đầu đồng ý đi theo người đàn ông lạ. Sau vài lần chuyển xe, xuống bến, đến TP. Lào Cai thì Cha và Kia bị tách nhóm đưa sang bên kia biên giới. Rồi từ đó gia đình Cha không thể liên lạc được với 2 chị em. Cha cũng không gọi điện được cho Kia thêm lần nào nữa. Cha kể vì mới sinh con, thân thể ốm yếu nên sang bên kia biên giới rất nhiều người đến xem, lựa hàng nhưng Cha vẫn bị bỏ lại rồi sau cùng được bán cho một gia đình làm ô sin, công việc đồng áng nặng nhọc. Làm việc vất vả, luôn trong tình trạng bị bỏ đói, rồi tới một ngày Cha đã bỏ trốn thành công và nhờ cán bộ biên phòng phía Việt Nam giúp đỡ liên lạc với gia đình.

Trở về nhà trong niềm vui khôn xiết bên người thân, họ hàng, bên người chồng vẫn rất mực thương yêu; tuy nhiên, cuộc sống khó khăn khi gia đình Cha bao năm qua vẫn thuộc hộ nghèo, đất sản xuất ít, việc mưu sinh vẫn chỉ trông chờ vào hạt ngô, cây lúa trên nương. 3 đứa con Cha nhỏ dại, bao khoản phải chi tiêu khiến cuộc sống càng khó khăn. Trở về địa phương, Cha được hỗ trợ khó khăn ban đầu 1 triệu đồng, bà con trong thôn bản thăm hỏi động viên khiến Cha dần nguôi ngoai những cơ cực, khổ đau khi bị bán sang Trung Quốc. Cha bảo: Ổn định lại cuộc sống, Cha sẽ đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện gia đình theo chế độ hỗ trợ nạn nhân mua bán người của tỉnh để có thể tìm kiếm việc làm, có thu nhập, cuộc sống bớt khốn khó. Cha may mắn hơn nhiều nạn nhân bị mua bán là đã trở về được bên gia đình, người thân nhưng điều khiến cô luôn canh cánh, nặng trĩu ưu tư khi người em dâu Sùng Thị Kia vẫn bặt vô âm tín.

Chị Chang Thị Dùa, Chủ tịch Hội LHPN xã Sín Chải cho biết: Từ khi Cha và Kia biệt tích, gia đình Cha đặc biệt khó khăn. Chị em trong xã đã quyên góp ủng hộ gạo, quần áo, đường, sữa cho các con Cha nhưng cũng chẳng được là bao vì chị em trong xã, bản cũng đều khó khăn. Ngay khi biết tin Cha về, chị em trong Hội cũng đã đến thăm hỏi, động viên Cha vượt qua khó khăn để sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Ðược biết, trong năm 2018 các lực lượng chức năng đã giải cứu thành công 3 phụ nữ là nạn nhân mua bán người trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Và từ năm 2016 đến nay có gần 40 trường hợp phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày trên địa bàn không rõ lý do. Ðể nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, Hội LHPN huyện Tủa Chùa đã phối hợp với Chương trình Phát triển vùng tại Tủa Chùa, Công an huyện... đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân biết cách bảo vệ bản thân, gia đình trước nạn mua bán người, chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng nghi vấn mua bán người...

Không chỉ tại Tủa Chùa mà ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông... trong thời gian qua cũng là địa bàn tội phạm mua bán người nhắm tới. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm rõ các vụ mua bán người. Cùng với đó việc bảo vệ, tiếp nhận, giúp nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Do các nạn nhân mua bán người trở về với nhiều hình thức khác nhau (được giải cứu trong các vụ án mua bán người, được giải cứu khi trên đường bị đưa đi bán hoặc những nạn nhân bị mua bán tự trở về...), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa nạn nhân về địa phương, đoàn tụ với gia đình theo nguyện vọng. Năm 2018 có 28 nạn nhân trên địa bàn toàn tỉnh bị mua bán. Trong số đó có 5 nạn nhân nằm trong các vụ án đã phát hiện, điều tra; 23 nạn nhân bị mua bán được cơ quan chức năng giải cứu. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã tiếp nhận, hỗ trợ 2 nạn nhân ăn, ngủ, nghỉ, tư vấn sức khỏe. Phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới giải cứu, hỗ trợ 11 nạn nhân bị mua bán (giải cứu 3 vụ mua bán người với 5 nạn nhân, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 6 nạn nhân), tổng kinh phí hơn 410 triệu đồng. Các nạn nhân được hỗ trợ khó khăn ban đầu, tiền ăn, nghỉ dọc đường, nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ bò giống và hỗ trợ làm chuồng nuôi bò…). Với nạn nhân bị mua bán có nhu cầu học nghề, học văn hóa đều được chính quyền địa phương giải quyết, giúp các nạn nhân sớm ổn định sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng.


Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top