Nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn tà đạo

08:50 - Thứ Hai, 13/05/2019 Lượt xem: 12862 In bài viết

ĐBP - Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tụ tập đông người; hoạt động mang màu sắc tôn giáo nhưng trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mê tín dị đoan, phản khoa học vi phạm pháp luật… Người tin theo các tà đạo thuộc nhiều thành phần như: Trí thức, sinh viên, nông dân… song chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số vùng nông thôn, vùng cao, biên giới.

 

Thượng tá Ðinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa). Ảnh: Lê Hùng (Ðài TT - TH Tủa Chùa)

Diễn biến phức tạp

Thượng tá Lâm Quốc Phương, Phó trưởng Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian qua, diễn biến phức tạp là 3 tà đạo: “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ”. Các tà đạo đều lợi dụng một số tôn giáo chính thống (chủ yếu là Tin lành), tuy nhiên, đối tượng cầm đầu cải biên, thêm bớt một số nội dung, xuyên tạc Kinh thánh… từ đó xưng “đạo” và lập hội, nhóm tuyên truyền, lôi kéo người dân tin theo. Các hội, nhóm lập ra không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; hoạt động trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tín ngưỡng, tôn giáo chính thống và an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Tà đạo “Giê Sùa” không có giáo lý, giáo luật rõ ràng, do đối tượng David Her, người Mông tại Mỹ xuyên tạc Kinh thánh rồi tuyên truyền, lôi kéo người khác tin theo. Khác biệt của tà đạo “Giê Sùa” với các hệ phái Tin lành khác là: Không thừa nhận tên Chúa là Giê - su; chuyển ngày sinh hoạt từ chủ nhật sang thứ bảy hàng tuần; không tổ chức lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh hàng năm… Qua công tác theo dõi, nắm tình hình của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 194 hộ, 1.208 người ở 15 bản thuộc 15 xã trên địa bàn 5 huyện, trước đây theo các hệ phái Tin lành Việt Nam miền Bắc, Liên hữu cơ đốc Việt Nam… đã chuyển sang tin theo tà đạo “Giê Sùa” với 52 đối tượng cầm đầu. Các đối tượng cầm đầu này tích cực tuyên truyền rằng chỉ có “Giê Sùa” là tôn giáo thật, người Mông theo đạo “Giê Sùa” sẽ có Nhà nước riêng.

Tương tự “Giê Sùa”, tà đạo “Bà Cô Dợ” cũng do một đối tượng người Mông ở Mỹ là Vừ Thị Dợ tuyên truyền, phát tán. Ðây là đối tượng vốn theo Công giáo và Hội thánh Tin lành, nhưng vi phạm giáo lý, giáo luật, xuyên tạc Kinh thánh nên bị trục xuất khỏi giáo hội. Vừ Thị Dợ tự ví mình như Ðức mẹ, tuyên truyền rằng con trai Dợ là con của Chúa; Chúa sẽ tái lâm lần thứ hai và sẽ làm Vua Mông…

Như vậy, bản chất của hai tà đạo trên là lợi dụng vấn đề tôn giáo với những màu sắc hoang đường nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước Mông”. Việc phán tán, kích động những nội dung sai trái của tà đạo đã ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận người dân và tín đồ các tôn giáo, làm phức tạp an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Ðặc biệt, thông qua hoạt động của các tà đạo, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Nhà nước ta.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Sau khi xuất hiện các tà đạo trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Theo Thượng tá Lâm Quốc Phương, đặc điểm chung của các tà đạo luôn tự coi mình là một tổ chức tôn giáo; giáo lý theo hướng mê tín dị đoan để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu. Ðối tượng cầm đầu thường triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc, khó khăn mà người dân không tự giải quyết được để lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh. Do đó, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, theo kẻ xấu lừa bịp. Từ đầu năm 2019, Công an tỉnh đã triển khai Kế hoạch 213/KH-CAT-PV05 về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh với hoạt động lập “Nhà nước Mông” và các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”. Ðến cuối tháng 4/2019 đã phát gần 45.000 tờ rơi song ngữ (tiếng Việt và tiếng Mông); tổ chức 75 buổi họp dân (riêng địa bàn huyện Nậm Pồ tổ chức 56 buổi họp dân với 3.130 người tham gia); vận động cá biệt đối với 16 người có uy tín tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Qua đó, đã vận động được 60 hộ, 355 người ở huyện Nậm Pồ từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”. Ðến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 163 hộ, 1.006 người từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”, chuyển sang các hệ phái Tin lành đã được công nhận. Mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thành giải quyết ổn định tà đạo này với 31 hộ, 202 người còn lại. Cơ quan chức năng cũng đã gặp, đề nghị Tổng hội Tin lành tham gia đấu tranh lên án, tẩy chay tà đạo “Bà Cô Dợ”.

Một giải pháp quan trọng khác là thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; đặc biệt là định hướng hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp. Ðối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tà đạo phải xử lý kiên quyết, kịp thời theo pháp luật; vạch trần bản chất của chúng trước nhân dân. Ví dụ điển hình là vừa qua, lực lượng công an tập trung truy bắt, xử lý số đối tượng cầm đầu hoạt động lập “Nhà nước Mông” trong đó có 1 đối tượng liên quan tuyên truyền, lôi kéo người dân theo tà đạo “Giê Sùa” đã có tác động đến những người theo tà đạo này. Ðến ngày 9/4/2019, 14 người đại diện cho 14 hộ, 74 đối tượng theo “Giê Sùa” ở bản Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) đã trình diện UBND xã, cam kết từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”.

Hiện nay phương thức, thủ đoạn của các tà đạo ngày càng tinh vi. Các đối tượng cầm đầu đã biết ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là internet với các trang mạng xã hội để tuyên truyền trực tuyến và chỉ đạo, điều hành hoạt động. Ví dụ, các đối tượng tà đạo “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” sử dụng máy chiếu để tuyên truyền trên địa bàn xã Pú Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông; hoặc thực hiện trực tuyến qua smart phone; tà đạo “Bà Cô Dợ” dụ dỗ, lôi kéo người tin theo bằng các lợi ích vật chất… Việc thường xuyên thay đổi địa bàn, thay đổi nhân sự tuyên truyền, chia thành các nhóm nhỏ sinh hoạt tại gia đình cũng gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống các tà đạo.

Thiếu úy Hoàng Trung Anh, cán bộ Phòng An ninh đối nội - người nhiều lần trực tiếp gặp gỡ các đối tượng cho biết: Ban đầu, hầu như các đối tượng theo tà đạo đều bất hợp tác. Hoặc số ít trường hợp thì cứ hứa bỏ tà đạo nhưng cán bộ tuyên truyền, vận động ra về thì họ lại hoạt động. Thế nên, công tác vận động, đấu tranh phải kiên trì, khéo léo, mềm mỏng nhưng cương quyết.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh các tà đạo, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tác hại của các tà đạo. Từ đó huy động sự tham gia của cả cộng đồng xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Ðồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới.

Ðức Bảo
Bình luận
Back To Top