Ðưa chính sách, pháp luật đến nhân dân

Nỗ lực từ nhiều phía

08:06 - Thứ Năm, 16/05/2019 Lượt xem: 7728 In bài viết

ĐBP - Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia; chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đối tượng là những giải pháp đã và đang được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai để kịp thời chuyển tải các văn bản, quy định pháp luật đến nhân dân trong thời gian qua.

Ða dạng hình thức tuyên truyền

Ngày 29/9/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (gọi tắt là Ðề án). Ðể triển khai Ðề án hiệu quả, một trong những giải pháp then chốt được Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực thực hiện Ðề án) chú trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo ông Mùa A Giang, Trưởng phòng Dân tộc tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh): Ban chú trọng tổ chức các hội nghị tuyên truyền những kiến thức gần gũi, dễ hiểu tới 100% cán bộ, nhân dân các xã, bản đặc biệt khó khăn, điển hình về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Cùng với tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản thì cán bộ làm công tác tuyên truyền phải có kiến thức về pháp luật dân số - kế hoạch hóa gia đình, hôn nhân; am hiểu phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của các dân tộc để có những cách tuyên truyền phù hợp.

Sau 3 năm tích cực triển khai Ðề án, đến nay đã có trên 40 hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai. Toàn tỉnh thành lập 42 câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 3.000 lượt người trên địa bàn 42 xã thuộc các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ; biên soạn và phát hành 2.000 tờ rơi tuyên truyền kiến thức giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã có nguy cơ cao... Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đẩy lùi. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2018 toàn tỉnh chỉ còn 984 cặp tảo hôn (giảm gần 2/3 so với năm 2017). Ðặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết chỉ còn 12 cặp (giảm 82 cặp so với năm 2017).

Là địa bàn sinh sống của 13 dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức pháp luật còn hạn chế, bởi vậy những năm trước đây, huyện Mường Chà luôn là một trong những điểm nóng của tỉnh về nạn buôn bán “phụ nữ và trẻ em”. Ðể công tác tuyên truyền hiệu quả, UBND huyện Mường Chà đã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc và các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn... tổ chức tuyên truyền tại trường học, cụm dân cư, thôn, bản giúp người dân nâng cao cảnh giác, ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tiếp tay, tham gia hoạt động mua bán người.

Ðối với ngành Tòa án, xác định tâm lý chung của đa số người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số chỉ tin những gì “mắt thấy tai nghe” nên việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực nhất, là cách đưa pháp luật đến với người dân nhanh nhất. Các phiên tòa lưu động không chỉ nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đảm bảo tính nghiêm minh mà còn giúp người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh, trong 2 năm 2017 - 2018, tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 220 vụ án xét xử lưu động. Những vụ án hình sự được chọn để xét xử lưu động phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, có tác dụng tuyên truyền hiệu quả, nhất là những loại tội phạm đang có diễn biến phức tạp như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người... Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, Hội đồng xét xử cũng căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép các văn bản pháp luật cần được phổ biến, tuyên truyền.

Mưa dầm thấm lâu

Ðã nhiều năm nay, đều đặn mỗi tuần với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” anh Giàng A Sinh, cán bộ dân số phụ trách xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo lại kiên trì xuống địa bàn tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sinh con thứ 3. Anh Sinh chia sẻ: Trước đây, đến gặp người dân để tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch khó lắm bởi một phần do nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế, một phần cũng vì tư tưởng của bà con là “trời sinh voi sinh cỏ”, “đông con hơn nhiều của”. Song, mình là cán bộ dân số thì không được nản chí, kiên trì thực hiện “mưa dầm thấm lâu”. Hiệu quả tuyên truyền cũng không phải thấy ngay trong một sớm một chiều mà phải tính bằng năm, thậm chí là cả giai đoạn. Ðến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã Tênh Phông đã giảm dần theo các năm, từ 50% (năm 2011) xuống còn hơn 16% (năm 2018).

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Năm 2018, các ngành thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và tổ chức, đoàn thể các cấp đã tổ chức hơn 7.700 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 564.500 lượt người tham dự; tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 900 lượt người dự thi; phát hành gần 25.000 bản tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật; đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng gần 5.000 tin, bài; đài truyền thanh cấp xã đã phát sóng hơn 16.800 lần các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật.

Với những nỗ lực đưa kiến thức pháp luật đến với người dân của nhiều cấp, ngành nên thời gian qua, tại nhiều địa bàn, bà con đã chủ động đến thắc mắc, kiến nghị các cơ quan chức năng để được tư vấn, trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, hủ tục cũng dần được xóa bỏ.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top