Xuất cảnh trái phép ở Mường Nhé

Chuyện chưa có hồi kết

09:03 - Thứ Sáu, 24/05/2019 Lượt xem: 8296 In bài viết
ĐBP - 2 năm trở lại đây, tình trạng người dân trên địa bàn huyện Mường Nhé xuất cảnh trái phép (XCTP) ra nước ngoài lao động “chui” liên tục gia tăng, bất chấp cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm mà người lao động phải gánh chịu. Theo thống kê, quý I/2019 huyện Mường Nhé có 299 trường hợp XCTP sang Trung Quốc (tăng 282 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà quan trọng hơn là tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, tính mạng của người dân.

 

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé tuyên truyền, vận động người dân xã Chung Chải không XCTP.

Ðể tìm hiểu về thực trạng XCTP ở Mường Nhé, chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện ngược gần 60km lên lối mở A Pa Chải (xã Sín Thầu) tiếp nhận 16 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động “chui”. Ðến Trạm biên phòng, khi cán bộ phát những phong lương khô được ví như là “cứu tinh” của đoàn người XCTP đang lả đi vì đói khát sau những ngày trốn lực lượng chức năng chui lủi trong rừng rậm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lầu Chứ Dạ (bản Cây Sủ, xã Nậm Vì) nay đã ở tuổi ngoài 60 cho biết: “Nghe người trong bản rủ sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao nên tôi cũng đánh liều đi thử một chuyến với hy vọng đổi đời... Ði vào trung tuần tháng 3, hơn 1 tháng lao động “chui” tôi được chủ người Trung Quốc đưa đến làm trong trang trại trồng chuối với đồng lương ít ỏi. Tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến tối mịt, nơi ăn chốn ở tạm bợ. Nhưng cơ cực hơn cả là dù nai lưng làm việc chưa kịp được trả công thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc truy quét ráo riết, tôi và một số người cùng cảnh ngộ đã phải bỏ trốn vào rừng sâu, nhưng rồi vẫn bị bắt và trao trả về nước.

Còn đối với anh Cứ A Hà, bản Tân Phong (xã Mường Nhé), nỗi chua xót còn gấp bội phần, bởi nghe tiếng gọi của “giấc mơ đổi đời”, anh đưa cả vợ và con nhỏ (chưa đầy 1 tuổi) XCTP sang lao động “chui” bên Trung Quốc. Nhìn đứa con còi cọc, suy dinh dưỡng của anh Hà, chúng tôi không khỏi xót xa. Anh Hà chia sẻ: Cuộc sống bên đó không như mình nghĩ, lao động khốn khó lắm! Cái bụng thì lúc nào cũng đói, không làm thì bị chủ mắng, dọa không trả tiền công nên ngày nào mình cũng phải làm quần quật đến tối mịt. Có những hôm con lên cơn sốt cao, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau, hái nắm lá rừng đắp tạm cho qua cơn sốt. Nhưng anh Hà cho rằng, mình còn may mắn hơn nhiều người khác là được trở về quê hương. Ở nhà tuy có khó khăn, vất vả, nhưng vợ chồng làm lụng cũng đủ ăn, vì dẫu sao cũng được ở bên gia đình, chăm sóc con thơ.

Người XCTP sang Trung Quốc làm thuê, ở quê nhà ruộng nương bỏ hoang, con cái bơ vơ thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Ðã có những trường hợp trở về bị tàn tật hoặc có trường hợp biệt tích, bỏ mạng nơi xứ người. Trung tá Pờ Pờ Sơn, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: Khi XCTP để lao động “chui” người dân phải chấp nhận rủi ro không lường trước, chịu thiệt thòi đủ thứ, như: bị bóc lột sức lao động, chủ lao động lừa không trả tiền công, phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, đi lại bị quản lý nghiêm ngặt... Nhất là đối với phụ nữ, việc XCTP còn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị lừa bán vào các động mại dâm, ép lấy chồng và đẻ thuê. Mặc dù Công an huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân không XCTP; thành lập các tổ, đội công tác thường trực bám, nắm cơ sở, đặc biệt chú trọng những địa bàn đang là “điểm nóng”. Ðồng thời, thông qua số lao động đã về nước, khuyên nhủ những người đang sống và làm việc trái phép ở nước ngoài về nước trước khi xảy ra rủi ro, nhưng vì thiếu kiến thức, sự hiểu biết và sự “nhẹ dạ cả tin”, hám lợi nên nhiều người sẵn sàng rời bỏ quê hương đi tìm giấc mơ làm giàu nơi xứ người khiến tình trạng XCTP trên địa bàn ngày càng gia tăng. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền.

Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé chia sẻ: Phần lớn trường hợp XCTP ra nước ngoài lao động đều thuộc diện nghèo, thiếu việc làm ổn định, nguồn thu nhập thấp. Ðể khuyến khích bà con phát triển kinh tế, bám đất, bám rừng làm giàu trên quê hương, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a; hỗ trợ cây, con giống… Ðặc biệt là đưa người đi xuất khẩu lao động theo con đường hợp pháp; hướng dẫn cách làm hồ sơ, thủ tục để người dân yên tâm và tin tưởng khi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do Mường Nhé là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn còn hạn chế dẫn tới “cầu” không đủ “cung”. Trình độ tay nghề của lao động tuy đã qua đào tạo, thực tiễn nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp…

Ðó là những nguyên do đòi hỏi các cấp chính quyền huyện Mường Nhé phải có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả gắn liền với lợi ích của nhân dân thì mới mong giảm được tình trạng XCTP ra nước ngoài lao động “chui”.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top