Quyết liệt đấu tranh tội phạm ma túy

09:33 - Thứ Hai, 03/06/2019 Lượt xem: 7911 In bài viết

Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn có vụ lên đến hàng tấn liên tiếp bị bóc gỡ trong thời gian gần đây đã phát lộ tình trạng các đối tượng phạm tội đang mưu mô biến TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung thành nơi trung chuyển ma túy. Lực lượng công an, hải quan cùng các đơn vị chức năng đang quyết liệt vào cuộc để chặn đứng tội ác gieo rắc “cái chết trắng”.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra số kê-ta-min trị giá 500 tỷ đồng vừa phát hiện, thu giữ tại TP Hồ Chí Minh.

Đội lốt doanh nghiệp để buôn ma túy

Trung tuần tháng 5 vừa qua, sau sáu tháng kiên trì theo sát dấu vết của những kẻ buôn ma túy, chiều tối 11-5, lực lượng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), Công an TP Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đồng loạt khám xét các kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) và các quận Tân Phú, Tân Bình, phát hiện khoảng 500 kg ma túy tổng hợp kê-ta-min và bắt giữ các đối tượng: Liu Ming Yang (34 tuổi), Jhu Minh Jyun (32 tuổi) và người tình Nguyễn Thị Thu Vân (36 tuổi, cùng là người Đài Loan - Trung Quốc); Tô Gia Mỹ (33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Yang được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây ma túy này, chỉ đạo đàn em nhập cảnh vào Việt Nam, đội lốt doanh nghiệp, thuê kho, bãi ở huyện Bình Chánh để tập kết “hàng”. Theo chỉ đạo của ông trùm, ngày 14-3, Jyun nhận bốn máy ép bao bì từ Trung Quốc (qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh) đem về kho hàng tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, do cùng thời điểm này, Bộ Công an liên tiếp bắt các vụ ma túy lớn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, Yang chỉ đạo đàn em chuyển địa điểm về kho tại huyện Bình Chánh hoạt động. Sau khi kê-ta-min được vận chuyển từ nước ngoài về bằng ô-tô, nhóm Yang đưa đến kho này, giấu trong các máy ép bao bì chuẩn bị xuất đi nước thứ ba thì bị C04 bắt giữ. Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 cho biết, đây là vụ vận chuyển trái phép ma túy kê-ta-min với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, trị giá tới gần 500 tỷ đồng. Không chỉ riêng vụ việc này, cùng thủ đoạn tạo lập các doanh nghiệp làm bình phong, vào tháng 3-2019, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm tội phạm buôn ma túy đều là người nước ngoài ẩn dưới mác một công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm may mặc, lợi dụng danh nghĩa này, chúng cất giấu gần 300 kg ma túy lẫn trong các bao tải hạt nhựa rồi chất lên công-ten-nơ. Khi số “hàng” tập kết tại phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thực tế, đã và đang xảy ra tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, nhưng lại vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Các đối tượng còn lợi dụng chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy vào hàng hóa, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma túy vào Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài tiêu thụ, nhất là các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia. Đối với loại hình hàng hóa, phương tiện quá cảnh, do chính sách quản lý hải quan là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, mà không kiểm tra hải quan, cho nên tội phạm thường cất giấu ma túy trong hàng hóa trên các phương tiện quá cảnh chuyên chở. Đối với loại hình tạm nhập - tái xuất, chúng cất giấu ma túy vào hàng hóa đựng trong công-ten-nơ. Ma túy cũng được pha, tẩm vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến để theo các chuyến bay từ các nước châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia… gửi về Việt Nam dưới dạng quà biếu, quà tặng với tên, địa chỉ của người nhận không rõ ràng, thường là không có thật và tìm cách liên lạc, cử người móc nối để nhận hàng. Nếu bị phát hiện thì tìm cách từ chối nhận hàng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc điều tra, bắt giữ đối tượng.

Tăng cường phối hợp, chặn đường trung chuyển

Sau khi liên tiếp phá các vụ án ma túy lớn, nắm bắt được tình trạng các đối tượng nước ngoài đang biến khu vực phía nam, mà cụ thể là TP Hồ Chí Minh thành địa điểm trung chuyển ma túy, các lực lượng chức năng đang tăng cường công tác phối hợp, nhằm mở rộng điều tra, ngăn chặn đường vận chuyển của các đối tượng mua bán ma túy. Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố thuận lợi về kinh tế, vị trí địa lý, giao thông,… để các đối tượng thực hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển ma túy. Các đường dây buôn bán, vận chuyển đều hoạt động tinh vi, lợi dụng nhiều chính sách thông thoáng về thủ tục hải quan để vận chuyển ma túy. Điều này, Cục Hải quan cũng đã xác định từ nhiều năm nay, nên đã triển khai nhiều hoạt động, phương án để phòng, chống và triệt phá một cách hiệu quả. Trong đó, chú trọng việc nắm thông tin, cách thức hoạt động của các đường dây ma túy xuyên quốc gia để lên kế hoạch và công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác. Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp tăng cường nghiệp vụ, tập huấn cho các đơn vị, nhân viên làm ở các bộ phận liên quan và trực tiếp về xuất, nhập khẩu hàng hóa để nắm thông tin, cảnh giác, nhận biết những phương thức mới của tội phạm ma túy.

Bên cạnh đó, theo Cục Điều tra chống buôn lậu công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của ngành hải quan, tuy có nhiều kết quả tích cực, nhưng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thực thi nhiệm vụ trên thực tế. Tại một số địa phương, có nhiều vụ việc, do yêu cầu nghiệp vụ, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đề nghị lực lượng hải quan không tiến hành bắt giữ tang vật ngay, mà để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ câu nhử bắt đối tượng, bóc gỡ tận gốc đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy. Nhưng khi không bắt được đối tượng, thì công tác bàn giao hồ sơ, tang vật vụ án theo quy định của pháp luật gặp rất nhiều khó khăn, vì về điều kiện tố tụng đối với các vụ án ma túy là phải có tang vật và đối tượng để điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đáng chú ý, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn chậm, dẫn đến thiếu thông tin từ xa, từ trước đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, hành khách, phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh. Cơ chế phối hợp hoạt động trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn nhiều bất cập, mới chỉ thể hiện trên các văn bản và mang tính hình thức; việc trao đổi và phản hồi thông tin nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nhất là những thông tin liên quan đến đối tượng, đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, hoặc kết quả xử lý các vụ việc, tang vật liên quan đến tội phạm đã bắt giữ. Đến nay, các lực lượng chức năng vẫn chưa thống nhất xây dựng được quy chế phối hợp về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp chức năng, thẩm quyền của từng lực lượng trong tình hình mới...

Thời gian tới, hoạt động của các đối tượng tội phạm ma túy tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp về cả quy mô, tính chất, số vụ, số lượng ma túy; gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, có tính chất xuyên quốc gia trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu. Để chủ động phát hiện, đấu tranh hiệu quả, lực lượng chức năng, nhất là ngành hải quan tập trung chỉ đạo lực lượng chuyên trách tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước, công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, phương tiện có liên quan hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, để xác lập các chuyên án đấu tranh. Rà soát bịt “lỗ hổng” trong các khâu thực hiện quy trình thủ tục hải quan mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động, nhất là khâu khai báo hải quan, phân luồng, kiểm tra thực tế hàng hóa. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong công tác kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng vận chuyển, sản xuất ma túy.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top