Lật tẩy bẫy làm hộ chiếu để lừa đảo

09:10 - Thứ Tư, 26/06/2019 Lượt xem: 8840 In bài viết
Những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được nhiều người lao động, nhất là người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi lựa chọn với mong muốn thay đổi cuộc đời, thoát nghèo. Vậy nhưng, với sự hiểu biết còn hạn hẹp, nhiều người đã nhắm mắt đưa tiền và trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo.

Mới đây, ngoài xử lý các vụ lừa đảo người lao động đi nước ngoài chiếm đoạt tài sản, Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa (Hà Nội) còn xử lý vụ việc hết sức tinh vi, các đối tượng sử dụng tài liệu giả để làm hộ chiếu xuất cảnh sang nước ngoài…

Lừa đảo xuất khẩu lao động, chiếm đoạt gần 700 triệu đồng

Từ các mối quan hệ xã hội, năm 2016, Nguyễn Văn Luận (SN 1979, trú tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) gặp Hà Thị Lụa (SN 1978, trú tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) và kết thân với nhau.

 

Các đối tượng Nguyễn Văn Luận, Hà Thị Lụa, Phạm Thị Huỳnh.

Trong quá trình tiếp xúc, biết Lụa đã từng đi XKLĐ tại Phần Lan nên tháng 10-2018, Luận đặt vấn đề nhờ Lụa đưa người quen của mình qua đó lao động. Dù chẳng có khả năng nhưng đang cần tiền chi tiêu nên Lụa vẫn đồng ý, đồng thời yêu cầu Luận nói với người quen nộp trước một phần tiền để làm thủ tục bảo lãnh và visa.

Để người lao động tin tưởng, lại sẵn mối quan hệ quen biết với Giám đốc một Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tài chính, Luận đã đến mượn con dấu, soạn thảo và đóng vào các hợp đồng lao động, phiếu thu tiền và tự khắc con dấu tên mình với chức danh Giám đốc kinh doanh.

Sau khi Lụa nhận lời, gặp ai Luận cũng tự nhận mình có thể xin cho người có nhu cầu đi XKLĐ Mỹ trong thời gian 5 năm. Anh P.V.M (trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) là người đầu tiên rơi vào “bẫy” và đã đưa 21 người lao động tới gặp Luận để ký hợp đồng.

Để tạo lòng tin, khi gặp người lao động, Luận ngọt nhạt hứa hẹn đưa tất cả số người này sang Mỹ lao động trong thời gian 5 năm, trong tháng 4-2019 sẽ được phỏng vấn, cấp visa để đi lao động và thu mỗi người số tiền gần 24 triệu đồng. Cũng trong tháng 11-2018, Luận đã lừa được chị T.T.L (41 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An) giới thiệu và ứng tiền đặt cóc cho 10 người lao động với số tiền gần 300 triệu đồng.

Với tất cả những người lao động, để họ thật sự tin tưởng, khi thu tiền, Luận đều viết tên người lao động vào hợp đồng và phiếu thu có đóng dấu đã chuẩn bị từ trước, sau đó Luận ký tên và đóng dấu chức danh Giám đốc kinh doanh, cùng CMND photo của mình và đưa cho nạn nhân.

Sau khi nhận gần 700 triệu đồng, hộ chiếu và giấy khám sức khỏe của 32 người lao động, Luận đã đưa hơn 600 triệu đồng cùng hộ chiếu của những người lao động cho Lụa để xin visa du lịch Phần Lan (chứ không phải đi Mỹ như Luận đã hứa) và ký hợp động với những người lao động trước đó. Còn giấy khám sức khoẻ của họ Luận giữ lại, cùng số tiền gần 90 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.

Về phía Lụa, vừa cầm số tiền hơn 600 triệu đồng từ Luận, Lụa đã mang tiền đi mua ngay một chiếc ôtô và tiêu xài hết. Chờ mãi không thấy thông tin gì từ Luận, đầu tháng 5-2019, anh T., chị L. nhiều lần liên hệ thì được Luận soạn tin nhắn trả lời với nội dung: “Công ty tại Mỹ đã chấp nhận lao động”.

Tuy nhiên không thoả mãn với thông tin đó, ngày 11-5 cả Luận và Lụa đã phải hẹn những người lao động đến quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh để giải thích lý do và tiếp tục hứa hẹn. Biết mình bị lừa, người lao động đã bức xúc đưa Luận tới Công an phường Láng Thượng trình báo, riêng Lụa thì bỏ về. Tại cơ quan Công an, Luận đã khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Trước những tài liệu liên quan mà thu thập được, ngày 13-5, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ Nguyễn Văn Luận để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày hôm sau, 14-5, đối tượng Hà Thị Lụa đã đến cơ quan Công an đầu thú và bị Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Làm giả sổ hộ khẩu Hà Nội để xin visa Hàn Quốc

Phạm Thị Huỳnh (SB 1983), trú xóm 1, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có chồng là Nguyễn Viết Quỳnh (SN 1985), hiện đang sinh sống và lao động tại Hàn Quốc từ năm 2014. Do vậy, Huỳnh luôn muốn được xuất cảnh sang Hàn Quốc để sinh sống, làm việc cùng chồng, tuy nhiên quá trình đi làm visa để xin xuất cảnh sang Hàn Quốc thì không được.

Khi biết thông tin, đối với những người có hộ khẩu thường trú và được cấp hộ chiếu ở Hà Nội sẽ được cấp visa miễn phí sang Hàn Quốc thì khoảng đầu tháng 3-2019, vợ chồng Huỳnh đã nảy sinh ý định đặt làm giả sổ hộ khẩu và giấy CMND của Huỳnh cư trú tại Hà Nội qua dịch vụ làm giả tài liệu trên mạng xã hội Facebook.

Thời điểm này, Huỳnh có nói chuyện với bạn của mình là Nguyễn Thị Huế (SN 1982), trú xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An và biết Huế cũng có nhu cầu sang Hàn Quốc như mình, đồng thời Huế nhờ vợ chồng Huỳnh đặt làm giả cho một bộ tài liệu gồm sổ hộ khẩu và CMND có nơi cư trú ở Hà Nội.

Sau đó, qua mạng xã hội Facebook, Nguyễn Viết Quỳnh liên hệ với một đối tượng làm giả 2 bộ tài liệu như trên với giá là 44 triệu đồng, tiền sẽ thanh toán qua việc chuyển tài khoản, ngân hàng, tài liệu giả mạo sẽ được nhận qua đường bưu điện.

Trong các ngày từ 11 đến 18-3, Huỳnh đã ra ngân hàng chuyển khoản cho phía làm giả tài liệu. Đến ngày 20-3 thì Huỳnh nhận được đầy đủ 2 bộ tài liệu như ý muốn. Huỳnh gửi một bộ tài liệu cho Huế để lấy về 22 triệu đồng.

Ngày 21-3, Huế đến trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an làm hộ chiếu, còn Huỳnh đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội làm hộ chiếu. Huỳnh bị cán bộ phát hiện, bắt quả tang sử dụng tài liệu giả và bị cơ quan chức năng đưa đến Công an phường Phương Liên để làm rõ.

Công an quận Đống Đa sau đó đã tiến hành trưng cầu giám định tài liệu của cơ quan, tổ chức đối với sổ hộ khẩu và CMND mà Phạm Thị Huỳnh đã sử dụng, kết luận tất cả đều là giấy tờ giả. Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Huỳnh về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật hình sự), đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Thấy vợ bị bắt, đối tượng Quỳnh sau đó cũng đã trở về Việt Nam hợp tác khai báo với cơ quan điều tra. Ngày 5-6, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cũng đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Viết Quỳnh về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Đối với đối tượng Huế, quá trình sử dụng bộ tài liệu giả cũng bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện. Ngày 21-6, Công an quận Đống Đa đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ tài liệu về vụ việc để điều tra, đồng thời tiến hành giám định số tài liệu mà Huế sử dụng. Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cũng đang tiếp tục mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top