Vì bình yên cuộc sống

Giải pháp ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua điện thoại

09:12 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 7066 In bài viết

Dù các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đã rất nhiều lần cảnh báo và tuyên truyền về phương thức hoạt động của tội phạm lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội, nhưng nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng thường là gọi điện, tự xưng mình là cán bộ ngành công an, tòa án, viện kiểm sát… rồi đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Theo Công an TP Hà Nội, hiện nay tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, một số người dân, trong đó có cả trí thức sinh sống ngay tại các đô thị lớn, do thiếu thông tin hoặc hiểu không đầy đủ về các thủ đoạn phạm tội đã bị lừa chiếm đoạt tiền với số lượng lớn.

Tính riêng trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết hàng chục đơn thư của các bị hại tố giác bị lừa đảo chiếm đoạt, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Đơn cử như vụ việc ngày 26-2-2019, Đội 9 Phòng CSHS đã tiếp nhận đơn của chị N. trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tố giác đối tượng tự xưng tên là D. là cán bộ Phòng CSHS, đã lừa đảo chiếm đoạt 480 triệu đồng. Một vụ việc khác nghiêm trọng hơn xảy ra vào tháng 4, đó là trường hợp của chị H. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo lời kể của chị H., khoảng 14 giờ ngày 17-4, chị nhận được cuộc điện thoại từ một số máy cố định, gọi vào máy di động, thông báo rằng có khoản nợ tín dụng ngân hàng, phải thanh toán ngay vì đã quá hạn. Sau đó, đối tượng tự xưng là nhân viên trực tổng đài nói rằng, muốn giúp chị H. xử lý khoản nợ và sẽ nối máy cho gặp một cán bộ công an. Chờ một lúc, có một giọng đàn ông tự xưng là cảnh sát điều tra ở số 90 Nguyễn Du (Hà Nội), trao đổi với chị H. Ngay khi bắt đầu câu chuyện, đối tượng giả danh đã đưa ra nhiều chứng cứ nhằm chứng minh mình là người trong ngành Công an. Khi thấy chị H. đã tin tưởng, đối tượng giả danh nói rằng, chị đang có số nợ tín dụng ngân hàng là hơn 45 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, kẻ lừa đảo cho biết, tài khoản của chị H. có liên quan tới một tổ chức buôn bán ma túy, có hành vi rửa tiền, với số tiền trị giá hơn sáu tỷ đồng. Tiếp đó, đối tượng này liên tục đe dọa, nói rằng chị H. có thể bị bắt vì hành vi vi phạm pháp luật. Trong quá trình dọa dẫm, đối tượng giả danh công an còn dặn chị H. không được phép kể sự việc này cho bất kỳ người thân nào, nếu không, bản thân sẽ bị ảnh hưởng, ám sát... Quá sợ hãi và bị áp lực, tới 17 giờ 10 phút cùng ngày, chị H. đã mang 92 triệu đồng đến giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Techcombank ở phố Lạc Trung, gửi vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp. Cùng trong tháng 4, bà L., trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) đã tố giác việc bị nhóm đối tượng gọi điện thoại giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản khác nhau để chiếm đoạt số tiền lên tới 1,9 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Công an, các vụ việc lừa đảo qua điện thoại diễn ra rất nhiều trong những năm gần đây trên hầu khắp các địa bàn cả nước. Ngay tại các đô thị lớn, nơi tưởng chừng dân trí cao, mọi người đều hiểu biết pháp luật vẫn diễn ra tình trạng lừa đảo này. Thủ đoạn của các đối tượng này không mới nhưng đã khiến nạn nhân tin, nghe theo. Đối tượng sử dụng mạng in-tơ-nét để làm giả các đầu số điện thoại (thường là giả đầu số điện thoại của lực lượng công an) gọi đến số điện thoại của người dân, giả danh là cán bộ đang công tác tại cơ quan công an thông báo người dân có liên quan đến đường dây phạm tội buôn bán ma túy, tham nhũng kinh tế. Đối tượng yêu cầu người dân phải rút toàn bộ số tiền của mình gửi ngân hàng và chuyển vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để phục vụ việc điều tra, nếu không liên quan sẽ trả lại tiền. Sau khi chuyển tiền, người dân mới biết mình bị lừa. Bên cạnh đó, quá trình điều tra các vụ án giả danh cơ quan công an gọi điện thoại để lừa đảo cho thấy, ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân thì sự quản lý thiếu chặt chẽ của một số tổ chức tín dụng đã vô tình tạo điều kiện cho băng nhóm lừa đảo dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Một số ngân hàng thương mại cổ phần cho phép một cá nhân được mở nhiều tài khoản, vì vậy nhiều người dễ dàng đăng ký mở các loại thẻ có đăng ký dịch vụ in-tơ-nét banking để bán cho các băng nhóm tội phạm dùng làm phương tiện chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, việc một số ngân hàng cho phép hạn mức chuyển tiền trong ngày và hạn mức chuyển tiền mỗi lần quá lớn (có khi lên đến 500 triệu đồng/lần giao dịch, 1 tỷ đồng/ngày), cho nên sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, băng nhóm tội phạm có thể rút tiền một cách nhanh chóng.

Để ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại, theo Bộ Công an, người dân khi tham gia mạng xã hội không nên kết bạn với người không quen biết. Không công khai những thông tin cá nhân, như: số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Cơ quan công an và cơ quan chức năng cũng không bao giờ thực hiện hoạt động điều tra qua điện thoại, không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Bởi vậy, khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn phạm tội, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an để được hỗ trợ. Khi nhận cuộc điện thoại lạ, người dân tuyệt đối không nên nghe theo hướng dẫn. Nếu thấy có biểu hiện nghi vấn, cần thông báo lực lượng công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Khi đã lỡ chuyển tiền, phát hiện bị lừa đảo cần báo ngay cho ngân hàng để phong tỏa tài khoản, tránh thiệt hại về kinh tế.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top