Kiên quyết xử lý hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản

09:39 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 7875 In bài viết

Việc dùng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép diễn ra phổ biến ở nhiều vùng quê đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hành vi này không những gây nguy hiểm tính mạng người sử dụng, sụt giảm, suy kiệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản, đe dọa môi trường sinh thái… mà còn ảnh gây hưởng đến ANTT địa phương. Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

Ngày 2-7, Công an huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, đang điều tra làm rõ 2 vụ chống người thi hành công vụ liên quan đến việc dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép. 

Theo đó, lúc 13h30 ngày 10-5, Công an xã Tân Hòa Đông nhận tin báo có nhóm đối tượng đi trên 2 vỏ lãi (một phương tiện thủy phổ biến ở ĐBSCL – PV), đang dùng xung điện đánh bắt thủy sản trên tuyến kênh xã Tân Hòa Đông. Khi Công an xã có mặt, phát hiện 4 đối tượng là Nguyễn Văn Vinh (SN 1985), Huỳnh Thị Hòa (SN 1986, cùng ngụ xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước); Huỳnh Văn Trường, Vị Thị Nhung (SN 1985, cùng ngụ xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy), đang dùng xung điện bắt cá. 

Công an xã yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra nhưng các đối tượng không chấp hành mà bỏ trốn. Tuy nhiên, một vỏ lãi không nổ máy được, chiếc còn lại bỏ chạy một đoạn thì quay lại. Đối tượng Trường dùng cây xiệc điện tấn công lực lượng làm nhiệm nhưng bị khống chế ngay sau đó. 

Trước đó, lúc 11h30 ngày 17-4, trên tuyến kênh 500 xã Thạnh Hòa, Công an huyện Tân Phước phát hiện 3 người đi trên 2 vỏ lãi đang dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép nên tiến hành kiểm tra. Ba đối tượng Lê Hoàng Việt (SN 1985), Lê Minh Cảnh (SN 1993), Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1992, cùng ngụ tỉnh Long An), dùng vỏ lãi đâm vào lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng không thoát.

 

Công an xã Phong Tân, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), lập biên bản hai đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép.

Mới đây, lúc 11h ngày 23-6, nhiều người dân đứng trên cầu Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), lại tỏ ra “thích thú” khi thấy người đàn ông dùng xung điện để bắt cá dưới kênh. 

Chỉ sau khoảng 15 phút dùng điện “dí” xuống kênh, người này bắt được rất nhiều cá. Mặc dù, thấy đông người đứng xem, dùng điện thoại ghi hình nhưng người này vẫn “bình thản” với công việc của mình. Theo người dân sinh sống gần kênh Chợ Cũ, con kênh này khá nhiều cá, đặc biệt là cá rô phi nên ngày nào cũng có người đến câu cá, nhưng hiếm thấy ai dùng xung điện bắt cá như người đàn ông kia…

Năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện, xử lý 54 vụ, 54 đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép; xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng. 

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh phát hiện 49 vụ, liên quan đến 56 đối tượng dùng xung điện bắt thủy sản trái phép. Tiến hành xử phạt hành chính 21 vụ, 24 đối tượng với số tiền gần 50 triệu đồng. 

Trước thực trạng ngày càng tăng người dân dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường lực lượng ra quân tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép trên ruộng, sông, kênh, rạch. 

Điển hình, ngày 6-3, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Công an 2 xã Lộc Ninh và Ninh Hòa (huyện Hồng Dân), bắt quả tang Nguyễn Quốc Bảo (ngụ xã Lộc Ninh) và Lê Văn Cư (ngụ xã Ninh Hòa), đang dùng xung điện bắt thủy sản trái phép trên các tuyến sông địa phương; thu giữ 2 bộ kích điện, 2 võ lãi, 2 máy nổ và một số tang vật liên quan. 

Gần đây nhất, tối 13-6, Công an xã Phong Tân (thị xã Giá Rai), bắt quả tang Phan Trường Sơn (ngụ xã Phong Tân) và Đoàn Văn Ninh (ngụ xã Phong Thạnh Đông), đang dùng xung điện bắt thủy sản trái phép trên địa bàn, thu giữ 2 bộ xung điện, 2 bình ắc quy 12V...

Ông Trần Xí Khuôl - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, cho biết đánh bắt thủy sản bằng xung điện là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm vì mang tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. 

Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo lại, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), ngoài sự quyết liệt đấu tranh, xử lý của cơ quan Công an, rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản, giữ vững ANTT địa phương…

Nghị định 42/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ 5-7-2019, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ các mức phạt đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản trái phép. Cụ thể, dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.

Dùng kích điện hoặc dùng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: Phạt 15-20 triệu đồng nếu tàu cá dưới 12m; phạt 20-30 triệu đồng nếu tàu cá 12-15m và 30-40 triệu đồng nếu tàu cá từ 15m trở lên. Dùng điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt 40-50 triệu đồng...

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top