Hoạt động “tín dụng đen”

Thực trạng và giải pháp

08:33 - Thứ Sáu, 12/07/2019 Lượt xem: 9967 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh hình thức tín dụng chính thống, thời gian qua đã xuất hiện hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định (từ 100 đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay); được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hoạt động đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Ðây là hình thức tín dụng không có sự quản lý của Nhà nước, cho vay nặng lãi, vay bất hợp pháp, hay còn gọi là “tín dụng đen”. Hoạt động “tín dụng đen” phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và bức xúc trong nhân dân. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân cơ bản sau:

 

Tín dụng chính thống cần có nhiều hình thức cho vay linh hoạt góp phần hạn chế tín dụng đen. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Ðiện Biên. Ảnh: Huyền Lâm

Xuất phát từ một bộ phận người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn chính đáng (công chức, viên chức, công nhân, người lao động, người không có việc làm ổn định vay để chữa bệnh, đóng tiền học phí, đáo hạn ngân hàng, mở rộng sản xuất, kinh doanh...) nhưng không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Trong khi vay tiền tại các ngân hàng điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường phải có tài sản thế chấp nên người dân có tâm lý ngại đến ngân hàng; còn các gói vay của “tín dụng đen” lại đa dạng, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, không cần thế chấp. Ngoài ra, một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ pháp luật hạn chế đã bị các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng để cho vay với lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản.

Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền.

Do hám lợi, nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Những kẻ cho vay “tín dụng đen” thường lợi dụng mạng viễn thông, internet, tờ rơi và núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ... nhằm tạo vỏ bọc đối phó cơ quan chức năng. Thủ đoạn cho vay thì rất tinh vi để trốn tránh quy định của pháp luật: Trên giấy tờ vay không ghi lãi suất, phương thức tính lãi mà tính phần trăm số tiền lãi phải trả hằng ngày (thường từ 1 đến 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày) hoặc ghi mức lãi suất thấp hơn so với thực tế cho vay. Khi đến hạn chưa trả được thì lại bị viết giấy nợ cả gốc và lãi (lãi chồng lãi), nhập lãi vào gốc tính kỳ hạn mới.

Hệ lụy của “tín dụng đen” thường kéo theo nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội như giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản... do chủ nợ thường thuê các băng, nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần của người đi vay để đe dọa đòi nợ.

Từ năm 2017 đến tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ, bắt 5 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn có 156 cơ sở cầm đồ và điểm hỗ trợ, tư vấn tài chính. Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng đã phát hiện 12 cơ sở vi phạm, đã xử lý hành chính 2 cơ sở số tiền hơn 24 triệu đồng.

Ðảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo, xử lý vi phạm của loại hoạt động này. Tuy nhiên, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cần phải có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và triển khai đồng bộ các giải pháp công tác. Trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cho vay dân sự; về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả, tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen”... nhằm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, xã hội đối với cho vay tiêu dùng, cần hạn chế tối đa việc vay tiền từ các tổ chức “tín dụng đen”. Ðồng thời, nâng cao nhận thức pháp luật để người dân tự phòng tránh và tích cực tham gia tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động “tín dụng đen”.

Các ngân hàng cần đa dạng hóa các hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, đẩy mạnh các sản phẩm cho vay phục vụ người dân, không cho “tín dụng đen” có “đất” hoạt động. Ðồng thời, cần có tổ chức đứng ra huy động những nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ người nghèo vay với lãi suất thấp như các quỹ tín dụng nhân dân hoặc tổ chức tài chính vi mô.

Lực lượng công an tiếp tục trấn áp mạnh mẽ tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” như hiện nay, kể cả trên không gian mạng. Trong đó, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và làm nòng cốt trong các tổ công tác liên ngành tiếp tục kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật; gắn đấu tranh, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động...

Ðề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp khắc phục những bất cập của hành lang pháp lý về hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Cần có giải pháp hữu hiệu để cải thiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân nhằm hạn chế nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hoạt động tín dụng đen, nhất là cải thiện về các dịch vụ y tế, bảo đảm mỗi người dân phải có bảo hiểm y tế; tiếp tục miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp... Từ đó hạn chế tác động xấu của “tín dụng đen”, góp phần ổn định xã hội.

“Tín dụng đen” làm cho xã hội bất ổn, gây nên nhiều hệ lụy xấu cho những ai vướng phải, từ đó kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Ðể đẩy lùi vấn đề gây nhức nhối này, riêng lực lượng công an là chưa đủ mà phải có sự nỗ lực và vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và trước hết là phải thay đổi được nhận thức của người dân.

Thiếu tướng Sùng A Hồng

Giám đốc Công an tỉnh

Bình luận
Back To Top