Thủ đoạn lừa 1,5 tỷ đồng của “nữ quái” chuyển giới

15:29 - Thứ Ba, 23/07/2019 Lượt xem: 7487 In bài viết
Từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, bằng thủ đoạn giả giọng nam và giọng nữ, đóng vai nhiều người khác nhau, “nổ” mình có thể đưa người đi du lịch nước ngoài với thủ tục nhanh gọn, Loan chiếm đoạt của chị V. hơn 1,5 tỷ đồng.

Chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, Phạm Thị Phương Loan (SN 1990), trú tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào các tỉnh miền Nam sinh sống và làm việc.

 

Bị cáo Loan tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Loan phẫu thuật chuyển giới từ nữ giới thành nam giới và tự đổi tên thành Nguyễn Văn Thu (SN 1980), trú tại thành phố Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh; cư trú tại TP Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2016, chị Nguyễn Thanh Bé (trú tại tỉnh Quảng Bình)- là bạn Loan, bị mất giấy tờ tùy thân nên đã nhờ Loan đăng tin tìm. Tìm được CMND cho chị Bé song do chị này về quê, không đến lấy ngay nên Loan gỡ ảnh chị Bé trên CMND rồi dùng ảnh mình dán lên. Sau đó, Loan sử dụng giấy tờ này để đến một Ngân hàng đăng ký tài khoản.

Tháng 10-2017, thông qua mạng xã hội, Loan sử dụng tài khoản facebook “Thomas Ngo”, biết chị Nguyễn Thị V. (SN 1985), trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cần tìm một người phụ nữ hiện đang ở Hàn Quốc để lấy lại tiền bảo lãnh chống trốn khi đi du lịch tại Hàn Quốc nên đã lập một facebook tên “Trang Giay To” rồi chủ động kết bạn, nhắn tin làm quen.

Loan biết chị V. đang bị 1 người tên Ánh lừa số tiền 300 triệu đồng để đóng cho công ty du lịch nên Loan đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của chị V..

Khi nói chuyện với chị V., Loan lấy tên là Cao Cảnh Khánh và giới thiệu với chị V. có một người tên Ngô Đức Minh (cũng chính là Loan) làm bên Đại sứ quán Hàn Quốc nên có khả năng can thiệp để lấy lại 1/2 số tiền đã bị mất ở Công ty du lịch.

Ngày 16-10-2017, Khánh nhắn tin cho chị V. nói đã tìm được địa chỉ của Ánh nhưng yêu cầu chị này chuyển 60 triệu đồng thì mới cung cấp địa chỉ. Do không có tiền nên chị V. không chuyển tiền cho Khánh.

 Tuy nhiên, chưa từ bỏ ý định lừa đảo chị V., ngày 21-10-2017, khi biết chị V. ra Hà Nội, Loan trong vai Ngô Đức Minh đã giả vờ cho chị V. vay 60 triệu đồng bằng cách chuyển khoản  cho Khánh. Khi chị V. điện cho Khánh để xác minh đã nhận được tiền chưa, Khánh báo là đã nhận được 60 triệu đồng từ Ngô Đức Minh.

Biết cá đã cắn câu,  vài ngày sau, Minh lấy lý do có việc cần tiền gấp nên đòi chị V. trả tiền. Chị V. đã chuyển khoản cho Minh số tiền 60 triệu đồng. Với khả năng giả cả giọng nam và nữ, Loan đã lừa trót lọt chị V số tiền 60 triệu đồng mà chị V không chút mảy may, nghi ngờ. Do không biết mình bị lừa nên hàng ngày, chị V vẫn nhắn tin nói chuyện với Khánh.

Đầu tháng 12-2017, biết chị V. đang có nhu cầu tìm người để làm thủ tục du lịch tại Hàn Quốc nên Loan tiếp tục nảy sinh ý định lừa đảo. Loan tiếp tục lấy danh nghĩa là Khánh giới thiệu 1 người khác tên là Nguyễn Thanh Bé (Loan giả danh) có khả năng làm thủ tục cho người đi du lịch Hàn Quốc.

Loan đi mua 1 chiếc điện thoại, kèm sim sau đó với danh nghĩa là Khánh gửi số điện thoại cho chị V. liên lạc với Bé. Bé “nổ” với chị V. rằng có khả năng đưa người đi du lịch Hàn Quốc rồi yêu cầu chị này đặt cọc tiền trước.

Tin tưởng chị Bé là có thật và có khả năng làm thủ tục đi du lịch Hàn Quốc nên chị V. đã tìm được 16 người đi du lịch Hàn Quốc để nhờ Bé làm thủ tục. Bé yêu cầu chị V nộp 6.500 USD/người, trong đó 1.500 USD tiền cọc và 5.000 USD tiền chống trốn, đồng thời giục chị V nộp hồ sơ thủ tục của khách để kịp chuyến bay ngày 19-12-2017.

Ngày 9-12-2017, chị V. chuyển vào tài khoản của Nguyễn Thanh Bé 16.000 USD (tương đương 363.000.000 đồng). Tới ngày 11-12-2017, chị V. mang hồ sơ ra Hà Nội nộp cho Bé. Tuy nhiên, Loan không xuất hiện mà thuê 1 người khác đến gặp và nhận hộ hồ sơ từ chị V. Còn Loan không nộp 16 bộ hồ sơ cho bất kỳ công ty nào có chức năng làm thủ tục du lịch tại Hàn Quốc.

Ngày 18-12, để tạo lòng tin ở chị V, Loan lên mạng lấy hình ảnh Visa của người khác rồi chỉnh sửa ảnh, chèn tên, ảnh của 4 người trong đoàn đi và gửi cho chị V. với thông báo, visa đã xong, rồi yêu cầu chị V. chuyển khoản số tiền 49.500 USD (tương đương 1.123.650.000 đồng) vào tài khoản mang tên Phạm Thị Phương Loan.

Cũng trong ngày này, chị V. tiếp tục chuyển cho Loan số tiền 45.540.000 đồng là số tiền phạt do trong đoàn có 2 người rút hồ sơ, không đi du lịch Hàn Quốc nữa.

Sau khi chiếm đoạt của chị V. hơn 1,5 tỷ đồng thì ngày 19-12 cũng là ngày Loan cắt đứt hoàn toàn liên lạc với chị V. Sau nhiều ngày cố gắng liên lạc với Phạm Thị Phương Loan không được, chị V mới sực tỉnh, biết mình bị lừa và làm đơn tố giác lên cơ quan CSĐT Công an Nghệ An tố cáo hành vi lừa đảo của Loan. Ngày 11-7-2018, Phạm Thị Phương Loan đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đầu thú.

Cái giá phải trả

Ngày 16-7-2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Phương Loan về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ sáng sớm, Phạm Thị Phương Loan được dẫn giải tới tòa với gương mặt khá bình thản. Bởi, đây là lần thứ 3, phiên tòa được đưa ra xét xử (do 2 lần trước đó, phiên tòa đều bị tạm hoãn do nạn nhân không có mặt).

Tại phiên tòa, ban đầu Phạm Thị Phương Loan khai báo quanh co, không thành khẩn, hòng chối tội. Song, đối chứng lời khai ban đầu của bị cáo tại Cơ quan điều tra cùng với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định, cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố Phạm Thị Phương Loan về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội. Bị cáo Phạm Thị Phương Loan im lặng, cúi đầu và lí nhí “bị cáo sai rồi”.

Cũng tại phiên tòa, bà M. (mẹ ruột của chị V.), đại diện hợp pháp của chị V. yêu cầu bị cáo Loan phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của con gái mình.

Bà M. chia sẻ: “Chỉ vì nôn nóng tìm được người lừa số tiền 300 triệu đồng để đóng cho công ty du lịch và sự nhẹ dạ cả tin mà con gái tôi tiếp tục trở thành nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản của Phạm Thị Phương Loan lên tới hơn 1 tỷ đồng, để giờ nợ nần chồng chất…”.

HĐXX nhận định, trong vụ án này, số tiền mà bị cáo Phạm Thị Phương Loan đã chiếm đoạt của bị hại rất lớn, vụ án có tính chất nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an trên địa bàn.

Tuy nhiên, phía bị hại cũng có một phần lỗi khi chưa gặp trực tiếp mà chỉ nói chuyện thông qua mạng xã hội, đã “nhẹ dạ cả tin”, tin tưởng, nhiều lần chuyển tiền cho các bị cáo.

HĐXX cũng khuyến cáo rằng, đi du lịch nước ngoài hay xuất khẩu lao động thì cần phải thông qua các công ty uy tín để làm hồ sơ, giấy tờ các quy trình, chứ không phải thông qua các cá nhân. Đây là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác để không bị những đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Phương Loan 7 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền còn đã chiếm đoạt của người bị hại.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top