Xuất cảnh trái phép cần giải pháp hữu hiệu

08:45 - Thứ Sáu, 02/08/2019 Lượt xem: 9201 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Lào làm thuê diễn biến phức tạp. Xuất cảnh trái phép, lao động bất hợp pháp không được pháp luật bảo hộ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, tài sản, nhưng nhiều người vẫn rủ nhau đi nhất là người dân khu vực vùng cao, biên giới.

 

Cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng tuyên truyền về rủi ro của việc xuất cảnh trái phép cho người dân xã Na Sang (huyện Mường Chà).

Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 6.000 người vắng mặt ở địa bàn, trong số đó cơ quan chức năng đã xác định hàng nghìn người xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm thuê. Thông tin từ công an các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo... tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn ngày càng gia tăng. Ðơn cử như huyện Mường Nhé, năm 2017 có 165 người xuất cảnh trái phép đi các nơi, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 202 người. Huyện Nậm Pồ năm 2014 có 399 trường hợp xuất cảnh trái phép đến nay tăng hơn 1.000 người; chủ yếu là người dân tộc Mông ở các xã: Nậm Tin, Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Bủng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xuất cảnh trái phép làm thuê ngày càng tăng là do ở địa phương thiếu việc làm, nhất là trong thời gian nông nhàn. Trong khi công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra thì nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn. Sang Trung Quốc làm thuê, người lao động được trả công từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày, hình thức thanh toán đơn giản, không ràng buộc nên phù hợp với tâm lý người lao động vùng cao. Tuy nhiên, mặt trái của xuất cảnh trái phép là không được pháp luật bảo hộ, nhiều mối nguy hiểm rình rập, đe dọa đến tài sản, sức khỏe và tính mạng người lao động.

Ðại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: Hàng năm, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện tiếp nhận nhiều lao động trái phép bị lực lượng bên kia biên giới phát hiện, trao trả. Mới đây, Công an huyện Mường Nhé phối hợp với Ðồn Biên phòng A Pa Chải tiếp nhận 16 lao động trái phép Trung Quốc trả về, trong đó có 14 lao động người Ðiện Biên và 2 lao động là người Sơn La. Hầu hết lao động xuất cảnh trái phép là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; nhiều người về đến điểm trao trả đói lả, ốm sốt vì lao động cực nhọc.

Xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) là một trong những địa bàn có người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê nhiều nhất tỉnh. Có thời điểm nông nhàn, nhiều thôn, bản chỉ có người già và trẻ em, người trong độ tuổi lao động đều tìm cách xuất cảnh trái phép đi làm thuê.

Ông Cháng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng cho biết: Một số trường hợp đi làm thuê ở Trung Quốc có thu nhập cao hơn ở địa phương, mua sắm được nhiều đồ đạc, phương tiện có giá trị phục vụ cuộc sống. Ðó chỉ là 1 phần nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng xuất cảnh trái phép. Nhiều lao động không muốn xa quê hương, gia đình đi làm thuê bên kia biên giới nhưng vì thiếu việc làm, có tìm được việc thì hình thức thanh toán phức tạp, lâu được trả tiền công. Ðơn cử như năm 2016, một doanh nghiệp ký hợp đồng với 15 lao động ở bản Nương với công việc chính là kéo đường dây điện trên địa bàn xã. Trong quá trình làm việc, lao động xin ứng tiền công thì doanh nghiệp không cho ứng vì tâm lý sợ lao động bỏ việc nhưng khi công trình hoàn thành, doanh nghiệp rời khỏi địa bàn, quỵt luôn tiền công của người lao động. Ðến nay, số lao động ở bản Nương vẫn chưa được trả tiền.

Nhằm giải quyết tình trạng xuất cảnh trái phép, chính quyền các huyện tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; công an cấp huyện phân công cán bộ, chiến sĩ về cơ sở tuyên truyền cho người dân hiểu thực trạng, rủi ro, nguy hiểm trong quá trình lao động trái phép ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay các giải pháp trên vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể cần phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Các sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại vụ sớm có kế hoạch hội đàm với ngành chức năng của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bàn về vấn đề hợp tác xuất khẩu lao động phổ thông, tạo hành lang pháp lý cần thiết và các điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm thuê.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top