Quyết liệt đấu tranh với băng nhóm bắt cóc, tống tiền xuyên quốc gia

15:06 - Thứ Ba, 06/08/2019 Lượt xem: 8471 In bài viết
Một vụ bắt cóc kinh hoàng như trong phim đã diễn ra trên một đường phố của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Nạn nhân là một nam công nhân người Việt Nam làm việc tại một công ty tư nhân, sản xuất da giày của Trung Quốc.

Và những ngày sau, liên tiếp người nhà nạn nhân tại Việt Nam nhận được những clip, hình ảnh nạn nhân bị đánh đập, đe dọa... trước khi được giải thoát.

Cuộc bắt cóc ngay giữa đường phố

Anh Nguyễn Đức T, 20 tuổi, quê ở Nghệ An. Kinh tế gia đình thuộc diện khá giả trong vùng nhưng vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn nên anh T đã theo người quen qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc kiếm việc làm. Nơi anh T được nhận vào làm là một công ty sản xuất da giày của tư nhân thuộc tỉnh Quảng Đông. Anh T cùng một số người quen thuê trọ ngay gần nơi làm việc để tiện đi lại và sinh hoạt.

 

Công việc và thu nhập khá ổn, nhưng vì sang lao động bất hợp pháp nên cuộc sống của anh T và những người công nhân như anh khá bấp bênh. Họ cũng ít ra đường phố vì sợ gặp Cảnh sát địa phương kiểm tra giấy tờ lưu trú.

Cuối tháng 3 vừa qua, do được lĩnh lương, anh T và 2 người bạn rủ nhau ra phố mua sắm một số vật dụng. Đang thời điểm cuối giờ chiều nhưng trời vẫn sáng, người dân bản địa vẫn đi lại trên phố sắm sửa. Bỗng một chiếc xe ô tô loại 12 chỗ xịch đến, đỗ ngay trước đoạn vỉa hè nơi anh T và 2 người bạn đang đi. Từ trên xe, 2 gã đàn ông lao xuống, bẻ quặt tay anh T, dúi đầu anh xuống rồi đẩy lên xe ô tô. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chiếc xe bắt cóc anh T lao vút đi rồi nhưng những người xung quanh vẫn bàng hoàng, sửng sốt. Không ai kịp phản ứng, tri hô…

Về phía anh T, từ lúc bị đẩy lên xe, 2 gã đàn ông vẫn ghì sát đầu anh xuống sàn xe. Chúng đánh phủ đầu và đe dọa anh không được ngẩng lên. Anh T không biết chúng đưa mình đi đâu. Nhưng anh thấy khá lâu, đến khoảng 1 tiếng sau, xe chạy qua một số con đường gập ghềnh rồi mới dừng đỗ. Bọn chúng lôi anh T xuống xe, đưa vào một căn nhà cấp 4 nhỏ, tồi tàn giống như nhà kho. 

Hai ngày liên tục, chúng dùng tay chân, rồi cả thanh gậy sắt dài đến hàng mét đánh đập anh. T bị trầy xước khắp người, máu chảy lem nhem. Chúng vừa đánh, vừa diễn để đồng bọn chụp ảnh, quay clip lại. Đến ngày thứ 2, chúng tăng thêm sức mạnh khi dọa nạt anh T rằng, nếu không nói ra số điện thoại của người thân ở Việt Nam thì sẽ mang anh vào rừng thủ tiêu. 

Qua câu chuyện của chúng nói với nhau, anh T được biết, đã có nạn nhân khi ngoan cố khiến chúng không lấy được tiền từ người nhà, chúng tức giận mang vào rừng sâu rồi đánh đến chết, vứt xác lại…

Câu chuyện về những nạn nhân bị bắt cóc tống tiền không đạt mục đích của băng nhóm tội phạm bị mang vào rừng sâu thủ tiêu anh T cũng đã từng nghe những người Việt Nam sang lao động cùng rỉ tai nhau. Chính vì thế, đòn dọa này của các đối tượng bắt cóc khiến anh T hoảng sợ thực sự. Anh T đành phải cung cấp số điện thoại của chị gái mình ở Việt Nam cho các đối tượng.

Những cú điện thoại đòi tiền chuộc

Sáng ngày 1-4, đang làm việc thì chị Nguyễn Thị D (chị gái anh T) nhận được một số điện thoại lạ gọi đến. Chị hoảng hốt khi người đầu dây bên kia tự xưng là những kẻ đã bắt cóc em trai chị bên Trung Quốc, yêu cầu gia đình phải lo gửi cho chúng 300 triệu đồng để chuộc mạng cho T, nếu không chúng sẽ mang vào rừng thủ tiêu.

Bọn chúng nói rất nhanh rồi tắt phụt máy. Chị D chưa kịp hoàn hồn thì thấy những hình ảnh từ một số máy lạ khác gửi đến máy chị qua ứng dụng zalo. Đó là những hình ảnh, clip quay cảnh em trai chị bị một nhóm người đánh đập dã man. Tiếng kêu khóc, van xin của cậu em trai như cứa vào lòng chị D…

Liên tiếp trong ngày hôm đó, có nhiều số điện thoại lạ gọi cho chị D. Chúng vẫn xưng là những kẻ bắt cóc và ép gia đình chị D gửi ngay số tiền 300 triệu đồng cho chúng, nếu không gia đình sẽ không còn được gặp mặt anh T. Kèm theo các cuộc điện thoại là những hình ảnh, clip đánh đập anh T được liên tiếp gửi về. Chúng khiến chị D và gia đình vô cùng bấn loạn. 

Sau nhiều lần trình bày hoàn cảnh khó khăn, chị D mới được các đối tượng cho giảm số tiền chuộc xuống 250 triệu đồng. Chúng yêu cầu, sau khi gia đình chuyển tiền cho chúng (qua dịch vụ chuyển tiền của một người ở khu vực đường biên), chúng sẽ đưa anh T về khu vực biên giới để trả về cho gia đình. Không chịu được áp lực lo lắng, gia đình chị D đã phải gửi tiền cho bọn bắt cóc để chuộc mạng sống cho em trai, đồng thời trình báo với cơ quan Công an.

Thoát chết trở về

Sau khi nhận được tiền do gia đình anh T ở Việt Nam chuyển sang theo yêu cầu, các đối tượng bắt cóc thỏa thuận chiều 19-4 sẽ đưa anh T về khu vực cửa khẩu Lạng Sơn để giao cho gia đình. Nhưng từ sáng sớm ngày 19-4, những đối tượng này đã rất thủ đoạn, đưa anh T ra đường cái, trả lại điện thoại cho T và đưa cho anh một số tiền, hướng dẫn cho nạn nhân các chặng đường bắt ô tô để về đến cửa khẩu Lạng Sơn (Việt Nam).

Về phía anh T, lúc đó, anh chỉ muốn chạy thoát thật nhanh khỏi đám người bắt cóc, hành hạ anh suốt những ngày qua. Mỗi ngày chúng chỉ cho anh một bữa cơm, điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu. Rồi khi cần thị uy với gia đình anh, chúng lại lôi anh ra đánh đập để quay clip chuyển qua zalo cho chị D. 

Vừa đói, vừa mệt, nhưng anh T vẫn trèo thật nhanh lên chiếc ô tô mà chúng vẫy trên đường cho anh đi về phía khu vực cửa khẩu Trung Quốc - Việt Nam. Anh chỉ mong chiếc xe chạy thật nhanh. Mỗi phút trôi qua anh T cảm giác như hàng tiếng đồng hồ, anh chỉ sợ bọn bắt cóc lại trở mặt đuổi theo bắt lại, tiếp tục tống thêm tiền gia đình anh thì không biết số phận anh sẽ ra sao.

Cửa khẩu Lạng Sơn hiện ra trước mắt. Anh T trào nước mắt, chạy sấp ngửa trên con đường mòn dẫn về phía Việt Nam. Đón anh T ở khu vực cửa khẩu có các trinh sát của Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, lực lượng Biên phòng cửa khẩu biên giới Lạng Sơn.

Từ đó cho đến nay, các đơn vị của Công an Việt Nam vẫn đang phối hợp với Công an Trung Quốc tiến hành điều tra về băng nhóm tội phạm này. Chúng gồm người Việt Nam câu kết với cả người bản địa, chuyên theo dõi người Việt Nam xuất khẩu chui sang Trung Quốc làm ăn. 

Theo các trinh sát, không ngoại trừ bọn chúng đã theo dõi rất kỹ các nạn nhân cả ở bên Trung Quốc lẫn gia đình bên Việt Nam xem kinh tế có khá giả hay không, có đủ khả năng để tống tiền hay không. 

Thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng của nhóm bắt cóc cũng rất tinh vi, chúng sử dụng ứng dụng chuyển cuộc gọi, thay đổi nhiều sim mã hóa để gọi điện từ Trung Quốc về Việt Nam cho gia đình nạn nhân. Vì vậy, tuy hiển thị vào máy gia đình nạn nhân ở Việt Nam là các số điện thoại của nhà mạng ở Việt Nam, nhưng thực chất các đối tượng vẫn đang ở Trung Quốc.

Hiện vụ bắt cóc tống tiền vẫn là nỗi ám ảnh cùng cực trong tâm trí của anh T. Chắc chắn anh sẽ không bao giờ dám trở lại lao động trái phép để kiếm tiền ở cái nơi gây ra cho anh sự đau đớn về thể xác và chiếm đoạt của gia đình anh một khoản tiền lớn mà không biết bao nhiêu năm nữa anh và gia đình mới lao động góp thành.

Vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia nói trên, người dân cần phải tuân thủ pháp luật, không nên xuất cảnh chui để sang lao động bất hợp pháp trên đất khách. Bởi khi đã lao động chui bên đất khách, rất có thể, bất cứ lúc nào sơ suất, ra đường khi không có hội, nhóm thân, bạn sẽ trở thành nạn nhân của các nhóm tội phạm, tính mạng bản thân bị đe dọa, gia đình bị tống tiền. 

Hiện nay, các băng nhóm bắt cóc tống tiền, trong đó có cả người Việt Nam tham gia theo kiểu này đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh giáp biên của Trung Quốc, nơi có khá đông người Việt Nam sang lao động chui hay buôn bán. Mong mọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, để không trở thành nạn nhân của các băng nhóm nguy hiểm này.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top