Cần linh hoạt trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

08:57 - Thứ Tư, 07/08/2019 Lượt xem: 9377 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho cán bộ, nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn. Nhờ vậy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân có sự chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ngay tại cơ sở.

 

Tuyên truyền viên huyện Nậm Pồ nói chuyện chuyên đề, chủ đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Na Cô Sa.

Hiện nay, nhiều hình thức TTPBGDPL đang được triển khai nhằm truyền tải các quy định pháp luật tới mọi đối tượng, như: Tuyên truyền miệng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền lồng ghép qua các buổi sinh hoạt đoàn thể; lồng ghép qua việc giải quyết thủ tục hành chính; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, tủ sách pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở; in ấn, cấp phát sách báo, tạp chí, tờ gấp pháp luật; treo pano, khẩu hiệu, áp phích; xây dựng các mô hình điểm, ký cam kết chấp hành pháp luật tại khu dân cư, xây dựng quy ước thôn, bản, tổ dân phố... Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội đồng PBGDPL tỉnh và các tổ chức, đoàn thể đã tổ chức 7.231 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 607.790 lượt người tham dự; tổ chức 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 229 lượt người dự thi; phát hành 95.382 bản tài liệu PBGDPL.

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Mỗi hình thức tuyên truyền đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, tùy thuộc vào từng nội dung, đối tượng, địa bàn và tình hình thực tế cũng như điều kiện của đơn vị, cá nhân thực hiện mà lựa chọn hình thức tuyên truyền cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Ví dụ như, hiệu quả của hình thức tuyên truyền miệng là tuyên truyền trực tiếp khiến người được tuyên truyền trực tiếp nghe, đối thoại nên có tác động lớn đến việc nâng cao nhận thức của bản thân. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền miệng giúp người tuyên truyền trao đổi, tiếp nhận đúng các nhu cầu, yêu cầu của người được tuyên truyền để đưa ra những nội dung tuyên truyền phù hợp. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là tốn kém thời gian của cả 2 bên, chất lượng tuyên truyền phụ thuộc nhiều vào năng lực của tuyên truyền viên. Hay việc phát các tin bài, nội dung tuyên truyền trên mạng lưới truyền thanh cơ sở giúp cho mọi đối tượng, dù ở bất cứ đâu, đang làm gì đều được nghe các nội dung tuyên truyền. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là chỉ có thông tin 1 chiều, mặt khác, nếu người dân không chú ý thì sẽ không nhớ được các nội dung phát thanh. Có những hình thức tuyên truyền ít tốn kém về kinh phí, thời gian và bất kỳ ai ở đâu, đối tượng nào cũng có thể truy cập, tìm hiểu là sử dụng mạng internet nhưng hạn chế về đối tượng; phụ thuộc vào sóng điện thoại; nội dung nếu không thực sự hấp dẫn thì người dân sẽ không quan tâm và tìm hiểu. Lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, trình độ dân trí, phong tục tập quán của người dân, trong đó tập trung vào các nội dung, lĩnh vực trọng tâm, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, gắn với nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng... là hết sức quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xây dựng mới 15 câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong người dân tộc thiểu số tại các xã thuộc huyện Mường Chà, Tuần Giáo và Tủa Chùa. Ðồng thời, tích cực nhân rộng những cách làm hay trong PBGDPL là 1 trong những giải pháp góp phần tăng hiệu quả công tác TTPBGDPL. Ðiển hình là mô hình Ban thông tin và Truyền thông ban đầu được triển khai điểm tại 2 xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) và Ngối Cáy (huyện Mường Ảng), đến nay đã có thêm 2 xã Sam Mứn và Thanh An (huyện Ðiện Biên) triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top