SOS tình trạng ép trẻ em phạm tội

15:20 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 8247 In bài viết
Trẻ em thực hiện các hành vi phạm pháp dưới tuổi chịu trách nhiệm hình sự thường chỉ được đưa vào các trung tâm giáo dục hoặc được gia đình bảo lãnh về nhà quản lý giáo dục, nên lợi dụng kẻ hở pháp luật này, nhiều đối tượng đã biến những đứa trẻ thành các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp.

Nhìn kiểu vô tư, hồn nhiên của các đứa trẻ khi thực hiện hành vi phạm pháp theo sự chỉ đạo của người lớn khiến dư luận bức xúc. Bởi với những hành vi phạm pháp từ nhỏ, vô hình trung đã tạo cho những đứa trẻ một thói quen khi lớn lên và từ những hành động nhỏ này đã biến các em thành tội phạm lúc nào không hay…

 

Đoạn clip ghi lại hình ảnh đứa trẻ làm “bình phong” cho người phụ nữ trộm cắp tài sản.

Những đứa trẻ bị biến thành công cụ phạm tội

Đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một vụ trộm xảy ra tại tiệm giày dép trên đường Thạch Lam, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh ngày 2-8 cho thấy, một phụ nữ tầm 50 tuổi dắt theo một bé trai vào cửa hàng lựa mua giày dép. Người phụ nữ này liên tục chọn các đôi giày để nữ nhân viên duy nhất trong tiệm thử cho bé.

Khi nữ nhân viên chăm chú thử giày cho cháu bé, người phụ nữ trên đã lén lút lấy chiếc điện thoại iPhone 7plus đặt trên kệ nhét vào túi áo khoác rồi chê giày không phù hợp, sau đó bỏ đi. Khoảng thời gian thực hiện hành vi trộm này của người phụ nữ không quá 5 giây.

Đây là một trong những đối tượng lợi dụng trẻ nhỏ để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trong các cửa hàng buôn bán nhỏ, đặc biệt là những cửa hàng ít người trông coi. Có những nhóm tự tay thực hiện hành vi trộm cắp nhưng có những đối tượng đã huấn luyện trẻ nhỏ các thao tác trộm trong cửa hàng. Các đối tượng thường đánh lạc hướng nhân viên để trẻ nhỏ rảo quanh cửa hàng lấy tài sản. Vì là trẻ em nên nhân viên các cửa hàng không chú ý, đề phòng.

 

Những đứa trẻ vô tội bị chăn dắt kiếm tiền phục vụ cho các đối tượng.

Không nghề nghiệp ổn định nhưng lại muốn có tiền tiêu xài, hằng ngày Lê Nguyên Sơn (32 tuổi, ngụ Gò Vấp, tạm trú Hóc Môn) thường rảo xe máy quanh các tuyến đường để thăm dò. Nhận thấy nhiều tiệm bán hàng chỉ có một nhân viên trông coi, không có bảo vệ phía ngoài, nhân viên thường mất cảnh giác khi có đông khách hàng vào cùng một lúc nên Sơn nảy sinh ý định trộm cắp tài sản.

Để các phi vụ thành công, Sơn đã “huấn luyện” cháu trai 11 tuổi của mình là Đ.Q.M. những cách thức tiếp cận vị trí để tài sản của các nhân viên trong các cửa hàng. Hằng ngày Sơn chở cháu M. dạo quanh các cửa tiệm tại Gò Vấp, Hóc Môn, quận 12, sau đó vào các tiệm bán quần áo, giày dép. Sơn giả bộ hỏi giá, đánh lạc hướng nhân viên trong tiệm để M. lẻn vào quầy lấy trộm điện thoại, máy tính, tiền bạc. Chỉ trong vòng vài tháng, Sơn cùng cháu trai của mình thực hiện hàng chục vụ trộm tại các cửa hàng ở các quận này.

Không chỉ trộm trong các cửa hàng, Sơn còn cùng cháu mình thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách thức khó ngờ. Sơn và M. thường rảo bộ trên đường vắng tìm “con mồi” là phụ nữ đi xe gắn máy xịn. Khi phát hiện “con mồi”, Sơn sử dụng chiêu thức xin đi nhờ sau đó lén rút dây điện của xe khiến xe hoạt động không bình thường. Sơn “nhiệt tình” sửa sau đó điều khiển xe chở nạn nhân đến những khu vực đông người, lừa nạn nhân xuống xe rồi cùng cháu trai mình điều khiển xe bỏ chạy.

Chị C.T.B., một nhân viên bán vé trên đường Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận, cho hay: “Thấy cháu bé tròn trịa, lém lỉnh cùng Sơn vào cửa hàng đặt mua vé máy bay khiến tôi không chú ý. Khi hai người ra khỏi cửa hàng, xem lại camera tôi mới thấy thằng bé hoạt động thật chuyện nghiệp, tinh vi. Nó cầm tờ giấy trên tay tiếp cận chiếc điện thoại, lấy tờ giấy úp lên chiếc điện thoại rồi cầm đi nên không ai nhìn thấy nó trộm” - chị B. lắc đầu.

 

Những đứa trẻ vô tội trở thành nạn nhân của các đối tượng giật dây phía sau.

Trẻ nhỏ nên chẳng ai đề phòng, nếu như bị phát hiện, những đối tượng đi cùng “diễn” cũng khá tốt, chửi bới những đứa trẻ, cho rằng chúng táy máy nghịch ngợm và yêu cầu đứa trẻ trả lại tài sản cho nhân viên và ép chúng xin lỗi. Cũng vì lý do này mà nhiều nhân viên trông coi các cửa hàng sau khi lấy lại được tài sản, nghĩ là trẻ nhỏ nghịch ngợm nên không trình báo công an, vì vậy các đối tượng dễ dàng thoát tội. Nhiều vụ những đứa trẻ bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi trộm tài sản phục vụ cho chúng chỉ tầm 4-5 tuổi.

Hành vi của những đứa trẻ này được chỉ đạo nên các em nhỏ không nhận thức được việc làm của mình. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến những đứa trẻ dần biến thành những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp nhưng chúng không nhận thức được đó là hành vi phạm tội. Như hai đứa trẻ 7 và 9 tuổi vừa bị Công an xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, lập biên bản giao cho chính quyền đại phương quản lý giáo dục. Cả hai sống lang thang, nghiện game kết lại thành một đôi thực hiện khoảng 30 vụ trộm cắp tài sản bán lấy tiền chơi game. Thời điểm bị phát hiện, hai đứa trẻ này leo rào đột nhập một nhà dân trộm 1,5 triệu đồng và 200 USD.

Một cán bộ công an quận 1 cho hay, sự thiếu giáo dục của gia đình, nhà trường cộng với hành vi trộm cắp được học hỏi từ những người thân, đa phần là những gia đình có “máu mặt”, đầu trộm đuôi cướp nên nhiều đối tượng dù nhỏ tuổi nhưng đã thực hiện các vụ trộm cướp một cách táo tợn, liều lĩnh.

 

Những đứa trẻ vô tội trở thành nạn nhân của các đối tượng giật dây phía sau.

Phải xử lý nghiêm đối tượng xúi giục, ép trẻ phạm tội

Sống trong những gia đình cha mẹ không nghề nghiệp, buôn bán ma túy, trộm cắp, lừa đảo, việc kiếm miếng ăn còn phải lừa lọc người khác thì những đứa trẻ mới lớn như Võ Nguyễn Thanh Phúc (SN 2006), Trần Văn Thắng (SN 2003), Nguyễn Trần Minh Huy (SN 2005, cùng ngụ quận 4) dễ sa chân vào con đường phạm pháp. Cái gương cha mẹ trước mắt khiến những đứa trẻ chỉ 13-14 tuổi này quá am hiểu những cách thức hoạt động phạm pháp của cha mẹ mình và dễ dàng sa ngã.

Nghiện game, nghiện ma túy nên nhóm đối tượng này đã phối hợp cùng một nhóm trẻ nhỏ khác cùng quận bỏ nhà lang thang, sống bầy đàn. Để có tiền phục vụ nhu cầu cho mình, các đối tượng đã liên tiếp thực hiện các vụ trộm, cướp tài sản, đích nhắm của chúng là các cửa hàng tiện ích, bởi chúng đã có quá trình theo dõi, biết các cửa hàng này vào ban đêm thường vắng khách, ít nhân viên trông coi. Bởi vậy chỉ trong vòng vài ngày các đối tượng đã thực hiện 5 vụ trộm, cướp tài sản tại các cửa hàng ở quận 1. Khi bị nhân viên phát hiện, chúng dùng hung khí đe dọa, dằn mặt và đánh hội đồng khiến nhân viên của cửa hàng bị thương tích.

Có nhiều hình thức lợi dụng trẻ nhỏ để thực hiện hành vi phạm pháp của các đối tượng như biến trẻ nhỏ thành cánh tay đắc lực của mình trong các vụ trộm, dùng trẻ nhỏ đi ăn xin để lấy tiền từ những người thương hại chúng. Vụ nhóm người giả tu hành, sử dụng trẻ nhỏ đi ăn xin vừa bị Công an quận 2 bắt giữ cho thấy hình ảnh, trẻ em bị vắt kiệt sức dưới cái nóng đốt da, thu gom những đồng tiền của người thương hại để những đối tượng chăn dắt phè phỡn đếm tiền, sử dụng tiền mà chúng kiếm được vào những chầu nhậu, những tép ma túy khiến dư luận phẫn nộ.

 

Sơn chỉ đạo cháu mình thực hiện hành vi trộm cắp.

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, quận 2 cho biết, từ năm 2018 đến giữa năm 2019, UBND phường đã lập hồ sơ xử lý 18 đối tượng. Trong đó có 16 đối tượng là người già, phụ nữ, trẻ em được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội theo diện xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định, 2 trường hợp nhắc nhở, ghi cam kết không được tiếp tục ăn xin. Một điều dễ nhận thấy là những đứa trẻ này dường như rất “quen mặt” vì đã từng bị lập hồ sơ đưa vào trung tâm, tuy nhiên các đối tượng chăn dắt đã tìm mọi cách để đưa bọn trẻ ra khỏi trung tâm, tiếp tục hành nghề để... nuôi sống chúng.

Có những đứa trẻ có số phận không may mắn khi sống trong những gia đình thiếu sự giáo dục, được sinh ra trong những gia đình mà cha mẹ chỉ sống bằng nghề phạm pháp vô tình biến chúng thành những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp. Nhiều vụ án ma túy mà trong đó đối tượng nhỏ tuổi là thành viên tích cực khi được giao nhiệm vụ “giao hàng” nhận tiền cho cha mẹ chúng hoặc cho các nhóm buôn bán ma túy. Như N.T.S. (16 tuổi, quê Đồng Nai), bỏ nhà sống lang thang, S. bị một nhóm người xấu lôi kéo sử dụng ma túy và bất đắc dĩ trở thành đối tượng giao ma túy chuyên nghiệp. Thời điểm bị Công an huyện Trảng Bom, Đồng Nai bắt giữ, trong người S. có 20 viên thuốc lắc và 15 tép ma túy.

Những đoạn clip trộm cắp được đăng tải trên mạng xã hội ghi nhận hình ảnh những đứa trẻ có gương mặt ngây thơ nhưng hành vi lấm lét, biết cách qua mặt những nhân viên trông coi trong tiệm để thực hiện hành vi trộm tài sản trong lúc những đối tượng chỉ đạo tìm cách đánh lạc hướng những người xung quanh khiến mọi người ái ngại. Một thành phần tội phạm trẻ được “huấn luyện” như vậy, khi trưởng thành chúng sẽ là những tội phạm chuyên nghiệp, gây bất an cho xã hội.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng luật sư Trường - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, khi vụ việc bị phát hiện, các đối tượng chăn dắt, hướng dẫn chúng dễ dàng tìm cách giải thoát cho chúng bằng các lý lẽ và đổ tội cho những đứa trẻ là táy máy, đánh bọn trẻ và giả bộ xin bỏ qua, về dạy dỗ. Khó chứng minh đứa trẻ bị điều khiển bởi những đối tượng trộm cắp nên rất khó xử lý.

Tuy nhiên, khi những trường hợp xác định đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người chỉ đạo những đứa trẻ trộm cắp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người xúi giục người chưa thành niên phạm tội sẽ có tình tiết tăng nặng.

Đừng bỏ qua những tình tiết phạm tội của trẻ để các đối tượng đứng phía sau nhởn nhơ sống bằng việc làm phạm pháp. Cần tố cáo hành vi ép buộc trẻ trộm cắp để ngăn chặn để trong tương lai những đứa trẻ này không trở thành những đối tượng tội phạm, gây bất an, nhiễu loạn xã hội.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top