Ðưa kiến thức pháp luật đến vùng cao

08:47 - Thứ Năm, 22/08/2019 Lượt xem: 10098 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là tỉnh vùng cao, với đường biên giới kéo dài trên 400km tiếp giáp với 2 nước: Lào - Trung Quốc; dân cư gồm nhiều thành phần dân tộc, phong tục tập quán khác nhau; trình độ nhận thức, kiến thức về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Cán bộ Ðồn Biên phòng Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền pháp luật đến người dân trên địa bàn.

Ðánh giá một cách khách quan hiện trạng nhận thức pháp luật của người dân Ðiện Biên, nhất là đồng bào vùng cao trong thời gian qua, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng: Còn tồn tại những “lỗ hổng” không nhỏ trong kiến thức pháp luật của người dân và cả đội ngũ cán bộ cơ sở. Ðiển hình là tình hình tội phạm về ma túy, mua bán người và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức của người dân còn hạn chế. Cụ thể, nếu một người dân có nhận thức đầy đủ về tác hại cũng như chế tài nghiêm khắc của pháp luật về tệ nạn ma túy và hiểu được rằng: Phạm tội về ma túy, dù kín kẽ đến đâu cũng không qua được mắt của lực lượng chức năng, trước sau gì cũng không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật... Thì dù lợi nhuận có cao đến mấy, một người dân bước đến gần ranh giới phạm tội sẽ biết dừng lại. Tương tự, về nạn mua bán người, “kịch bản” phổ biến được những đối tượng buôn người sử dụng là những lời đường mật dụ dỗ, thậm chí là tán tỉnh yêu đương. Trong khi “con mồi” là những cô gái mới lớn, ngây thơ trong cả kỹ năng sống và kiến thức pháp luật sẽ dễ dàng mắc bẫy. Ngoài ra, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dù đã hạn chế nhưng vẫn diễn ra ở vùng sâu, vùng xa. Trao đổi với chúng tôi, bà Giàng Thị Kía, Phó trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết: Cùng với yếu tố hám lợi trước mắt (buôn ma túy, buôn người...) mà cố tình phạm pháp, thì thiếu hiểu biết về pháp luật là nguyên nhân chính dẫn đến những hậu quả của người vi phạm pháp luật. Ðơn cử như nạn tảo hôn, theo luật thì quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “giao cấu với trẻ em” quy định tại điều 115, Bộ luật Hình sự; còn đối với trẻ chưa đủ 13 tuổi là cấu thành tội “hiếp dâm” theo điểm b, Khoản 1, Ðiều 142, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, khung hình phạt cho tội này rất nặng (trong khoảng 7 - 20 năm tù). Quy định của pháp luật là vậy nhưng cơ bản những vụ tảo hôn ở vùng cao, cả vợ và chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn, thậm chí có trường hợp vợ đủ “16 trăng tròn”, chồng vẫn là thiếu niên 12, 13 tuổi. Như vậy, người vợ rõ ràng đã cấu thành tội “hiếp dâm” khi chồng chưa đủ 13 tuổi. Tuy nhiên, đối với người dân vùng cao, việc khởi kiện, đưa “nàng dâu mới” vào vòng lao lý là điều gần như không thể xảy ra. Bởi trong phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt, lao động của người dân vùng cao tỉnh ta hiện nay vẫn tồn tại những suy nghĩ cũ như: Con trai lấy vợ sớm để nhà có thêm người làm, gia đình sớm có cháu... Với sự phát triển của công nghệ, mạng internet... hiện nay, trẻ cũng có xu hướng phát triển, dậy thì, yêu đương sớm. Trong khi tập quán còn lạc hậu nên việc trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản từ chính gia đình còn yếu nên khi để xảy ra hậu quả theo kiểu “sự đã rồi”, cùng với mối lo những đứa trẻ nếu bị ngăn cản đến với nhau sẽ nghĩ quẩn, tìm cách tự vẫn (điển hình là tự tử bằng lá ngón), các bậc phụ huynh thường dàn xếp với nhau bằng một đám cưới mà cô dâu, chú rể còn là trẻ con! Tuy nhiên, đây là giải pháp tiềm ẩn những nguy hại cho chính những người trong cuộc và các thế hệ sau, vì cả người chồng lẫn vợ đều chưa đủ trưởng thành từ tâm, sinh lý đến kiến thức, tư tưởng...

Ðó là những tồn tại, hạn chế liên quan đến nhận thức pháp luật của người dân tỉnh ta hiện nay, đòi hỏi không chỉ ngành chuyên môn mà các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng lĩnh vực, đặc điểm của ngành, địa phương mình. Nhất là các ngành, lực lượng như: Giáo dục, công an, biên phòng, các địa phương vùng cao, biên giới... Theo thông tin từ Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội đồng đã có nhiều nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua theo dõi, đã có 20 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và 10/10 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019.

Trong 6 tháng, các ngành, địa phương thành viên Hội đồng phối hợp đã tổ chức trên 7.200 đợt phổ biến pháp luật trực tiếp cho gần 607.800 lượt người tham dự; 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho 229 lượt người dự thi; phát hành trên 95.380 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng mới 15 câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo và Tủa Chùa. Một số ngành, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Dân tộc tỉnh; các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ...

Ðể việc tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân khu vực vùng cao đạt hiệu quả cao, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xác định tập trung lựa chọn các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, trình độ dân trí, phong tục tập quán của người dân tại cơ sở. Trong đó tập trung các nội dung, lĩnh vực  trọng tâm, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, gắn với nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng... Từ đó đưa kiến thức pháp luật đến với đa số người dân trên các địa bàn của tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top