Điều day dứt từ những phiên tòa

15:55 - Thứ Sáu, 30/08/2019 Lượt xem: 9428 In bài viết

Hầu hết những phiên toà xét xử mà bị cáo là trẻ vị thành niên, các luật sư thường đưa ra quan điểm để biện hộ cho hành vi phạm tội của loại tội phạm này là do trẻ người non dạ, nhận thức pháp luật kém, thiếu sự quan tâm giáo dục của người lớn, gia đình không hạnh phúc...

Qua đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng của giáo dục trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ, bởi môi trường tốt sẽ tạo nên những thói quen tốt cho trẻ em.

Hệ quả từ nghỉ học sớm, không nghề nghiệp...

Ngày 28-8, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP Hồ Chí Minh) đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Phong Thiện (sinh năm 2002, ngụ quận 10) cùng 7 đồng phạm về tội cướp tài sản. Các bị cáo bị truy tố theo khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.

Do cần tiền chơi game và tiêu xài, Thiện đã rủ thêm 10 người bạn đi cướp ở những cửa hàng tiện lợi như Cirle K, Ministop, Shop & Go, Family Mart. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm cướp thiếu niên này đã thực hiện 11 vụ cướp ở nhiều cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận 3, quận 5, quận 6, quận 11 và Tân Bình.

Rạng sáng 11-5-2018, nhóm Thiện đến cửa hàng tiện lợi Cirle K trên đường Cao Thắng (quận 3) giả vờ mua hàng. Chúng đã cướp của cửa hàng một thùng bia và 3 chai nước ép trái cây rồi chạy ra đường. Nhân viên cửa hàng phát hiện chặn lại thì nhóm Thiện dùng hung khí đe dọa. Sau đó băng này bán thùng bia được 240.000 đồng chia nhau tiêu xài. Thiện cùng đồng bọn rất táo bạo, ngang nhiên thực hiện nhiều vụ cướp tài sản ở các cửa hàng tiện lợi, nếu nhân viên chống trả thì sẵn sàng gây thương tích để tẩu thoát.

Ở một vụ khác, đêm 25-6-2018, cả nhóm chạy ngang cửa hàng Family Mart ở quận 6 thì dừng lại để Thiện vào lấy 30 lon bia cùng một số sản phẩm khác. Lúc này, anh Nguyễn Nhật là nhân viên cửa hàng ra đóng cửa hô hoán thì bị nhóm này đánh rồi lên xe tẩu thoát.

Nhóm đối tượng cướp tài sản trong cửa hàng tiện lợi bị Công an quận 10 bắt giữ.

Sau khi nhận được tin báo của các cửa hàng tiện lợi về băng cướp này với các đặc điểm nhận dạng, hành vi và thủ đoạn tương tự và qua trích xuất camera, công an đã triệu tập các thanh thiếu niên này lên làm việc. Đến ngày 2-8-2018, Công an quận 5 đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Phong Thiện cùng các đồng bọn.

Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng Phong Thiện cùng đồng bọn thực hiện 11 vụ cướp với tổng tài sản hơn… 8,3 triệu đồng(!) Đối với số tài sản chiếm đoạt được, các bị can đem bán một phần được 2,9 triệu đồng, số tài sản còn lại thì chia nhau sử dụng hết. Bởi lẽ, bọn nhóc chỉ cướp toàn đồ ăn thức uống.

Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo còn gây thương tích cho nhân viên của các cửa hàng. Tuy nhiên thương tích không nặng và những người này không yêu cầu xử lý nên cơ quan điều tra không xem xét.

Những đứa trẻ không có điểm tựa

Điều đặc biệt trong vụ án này, các bị cáo đều sinh năm 2002, nghỉ học từ rất sớm, không có bị cáo nào học hết cấp 2, do đó các bị cáo cũng không có việc làm ổn định. Chính vì ham chơi hơn ham học, thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường nên những đứa trẻ này đã sớm sa chân vào vòng phạm tội.

Cách đây không lâu, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử băng cướp nhí do Nguyễn Thuyên Tâm cầm đầu. Khi bị bắt, Tâm chưa tròn 16 tuổi. Tâm là người rủ rê những đứa trẻ khác cấu kết thành băng cướp nhí, chuyên cướp tài sản của người đi đường tại khu vực quận 1.

Còn rất trẻ con nhưng chính Tâm lại tỏ ra lọc lõi khi trực tiếp phân công, lựa chọn nạn nhân cho đồng bọn thực hiện. Nắm rõ tâm lý của nạn nhân, chủ yếu là du khách nước ngoài, ngại khai báo, không am hiểu ngôn ngữ bản địa... Tâm đã "chỉ đạo" đàn em gây án bằng những cách thức rất quái, ít ai nghi ngờ mà đề phòng. Tâm rời cha mẹ từ khi chưa đầy 15 tuổi, bỏ nhà đi bụi, sống lang thang ở các gầm cầu. Từ chỗ là đứa trẻ yếu đuối, Tâm biến thành một kẻ cướp.

Một trường hợp khác, Mai Trọng Nghĩa khi phạm tội cũng chỉ mới 16 tuổi. Cậu bé có hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ bỏ nhau, không ai đoái hoài, Nghĩa sống thiếu tình cảm, phải vạ vật nay đây mai đó kiếm sống, nhiều khi phải ngủ trong công viên. Chính từ những lần vào công viên, Nghĩa đã quen thân với Trần Thị Ngọc Thương và Nguyễn Thị Hồng Lành. 

Trong một lần ngồi chơi ở công viên với hai cô bạn này, thấy hai em nhỏ đang chơi patin có đeo dây chuyền vàng, lòng tham nổi lên, Nghĩa bàn với Thương và Lành tìm cách chiếm đoạt. Khi chúng thực hiện hành vi cướp, hai em nhỏ đã kêu cứu và quần chúng đã bắt giữ được Nghĩa và Thương. Lành chạy thoát, sau thời gian cũng ra đầu thú.

Hai vụ án trên đều được TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử công khai. Tòa đã tuyên phạt Tâm 7 năm tù. Nghĩa 4 năm 6 tháng tù, còn Thương và Lành mỗi người lãnh 3 năm tù.

Hầu hết các bị cáo là trẻ vị thành niên khi ra toà đều mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khi sợ sệt, khi vô tư hồn nhiên, khi chai lỳ… Có những đứa trẻ do hoàn cảnh, không có được tình yêu thương, giáo dục, quản lý của người lớn nên hay tụ tập chơi bời. Từ đó, học theo những thói quen xấu lẫn nhau, rủ rê nhau vào con đường phạm tội lúc nào không hay biết.

Theo một chuyên gia tâm lý, việc trẻ em vi phạm pháp luật liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng phần lớn, việc "dạy làm người" cho các em đang có phần bị xem nhẹ. Nhà trường cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống. 

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để định hướng cho xử sự và hành vi của các em còn quá ít, trong khi "cạm bẫy" đối với các em lại quá nhiều. Ma túy  game online (chủ yếu là game bạo lực) và nhiều tệ nạn khác... luôn bủa vây các em. Những phiên tòa để lại niềm day dứt, bài học đắt cho các bậc cha mẹ trong quản lý, giáo dục các em.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top