Chiếm đoạt 4 triệu USD từ sàn vàng ảo

10:02 - Thứ Hai, 16/09/2019 Lượt xem: 9568 In bài viết

Từ năm 2013 đến năm 2015 đã có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. Trong nhóm 13 mã giao dịch “ảo”, các bị cáo tạo ra số tiền nộp vào là hơn 2,7 triệu USD và rút ra hơn 2,9 triệu USD...

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa kết thúc phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị xem xét phần trách nhiệm dân sự của nhóm bị cáo phạm tội kinh doanh vàng trái phép và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với số lượng rất lớn. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần Kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (viết tắt là Công ty IG).

Các bị cáo gồm: Phạm Đức Tài (SN 1979, nhân viên Công ty IG), Mai Xuân Tú (SN 1950, Tổng Giám đốc Công ty IG), Lưu Công Khánh (SN 1982, nhân viên Chi nhánh Công ty IG tại Thanh Hóa), Lương Trần Hưng (SN 1989, Giám đốc Chi nhánh Công ty IG tại Hải Dương), Trần Hồng Nhung (SN 1989, nhân viên Công ty IG), Nguyễn Ngọc Thế (SN 1991, nhân viên Công ty IG) bị Toà án cấp sơ thẩm phạt tù về tội kinh doanh trái phép.

Ngoài tội danh trên, hai bị cáo Phạm Đức Tài, Lưu Công Khánh và bị cáo Vũ Đình Hùng (SN 1983, trú tại phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, kỹ sư công nghệ thông tin) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo tuỳ theo mức độ phạm tội bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt từ 15 tháng tù (án treo) đến 22 năm tù giam.

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, từ tháng 10-2013 đến tháng 2-2015, Phạm Đức Tài thành lập Công ty IG (trụ sở chính đặt tại quận Đống Đa, Hà Nội) và để anh rể là Nguyễn Ngọc Hải đứng tên đại diện pháp nhân, rồi lần lượt mở các chi nhánh tại Hải Dương, Thanh Hóa và Thái Nguyên.

Quá trình hoạt động, Tài chỉ đạo Lưu Công Khánh thuê phần mềm MT4 để thiết lập các giao dịch và kinh doanh vàng tài khoản qua mạng Internet. Khánh sau đó thuê Vũ Đình Hùng tìm kiếm phần mềm MT4 và nhờ đối tượng này cài đặt thêm chức năng quản trị cho phần mềm để trực tiếp quản lý. 

Câu kết với nhau, Tài và Khánh với danh nghĩa Công ty IG đã lừa dối khách hàng khi quảng bá IG là công ty môi giới của Công ty Napmig (một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh sàn vàng), tác động đến một số tài khoản tạo ra lợi nhuận nhằm mục đích tạo lòng tin, thu hút khách hàng đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Vũ Đình Hùng mặc dù biết rõ phần mềm MT4 sẽ được Khanh và đồng phạm sử dụng vào việc làm trái pháp luật nhưng vẫn giúp sức tích cực…

Để khách hàng tin tưởng, nhóm bị cáo này đã tổ chức các lớp học, hướng dẫn nhân viên tư vấn, giới thiệu cho khách hàng rằng Công ty IG là đại lý môi giới của Napmig. Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển tới Napmig, Công ty IG chỉ hưởng tiền phí. Việc kinh doanh lỗ hay lãi là giữa nhà đầu tư và Napmig, Công ty IG không liên quan.

Tham gia vào sàn vàng “ảo”, khách hàng được hướng dẫn tải phần mềm MT4 về máy tính hoặc điện thoại để tham gia mua bán vàng trên tài khoản. Mỗi khách hàng nộp tiền theo hai mức là 2.500 USD (tương đương 55 triệu đồng) và 5.000 USD (tương đương 110 triệu đồng) để được cấp mã giao dịch đăng nhập vào tài khoản.

Ngoài ra, khách hàng có thể mua bán các sản phẩm khác như bạc, dầu, các cặp ngoại tệ. Khi khách hàng nộp tiền, Tài chỉ đạo lập phiếu chi tiền thể hiện số tiền được chuyển đến Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi, khiến họ tưởng IG là công ty môi giới.

Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2013 đến năm 2015 đã có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. Trong nhóm 13 mã giao dịch “ảo”, các bị cáo tạo ra số tiền nộp vào là hơn 2,7 triệu USD và rút ra hơn 2,9 triệu USD.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định số tiền này không có thật. Việc các bị cáo tạo ra số tiền lớn như vậy là để khách hàng tin tưởng và tham gia kinh doanh. Thực tế chỉ có 140 khách hàng ở Hà Nội đã nộp vào Công ty IG số tiền hơn 1 triệu USD. Số tiền còn lại là của các nhà đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa.

Qua đó, các bị cáo đã chiếm đoạt của khách hàng gần 3 triệu USD. Ngoài hành vi này, các bị cáo còn thực hiện mua bán vàng miếng, kinh doanh vàng ký quỹ trái phép. Riêng Tài còn huy động vốn trái phép gần 50 tỷ đồng. Hiện số tiền chưa thanh toán là hơn 13 tỷ đồng. Để che giấu hành vi phạm tội, Tài chỉ đạo nhân viên yêu cầu khách hàng mua vàng miếng phải ký kết hợp đồng ủy quyền mua bán.

Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo một lần nữa thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã xác định. Kết thúc phiên toà phúc thẩm, HĐXX khẳng định, bản án sơ thẩm đã xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Qua trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được chứng cứ, tài liệu gì mới để HĐXX có căn cứ xem xét kháng cáo.

“Tuy nhiên, hình phạt của Toà án cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo có phần nghiêm khắc nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam”, Chủ toạ phiên toà nêu quan điểm. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định giảm án cho tất cả các bị cáo, trong đó chủ mưu Phạm Đức Tài được giảm 1 năm tù (từ 22 năm xuống 21 năm tù về 2 tội danh).

Bị cáo Lưu Công Khanh được giảm 3 năm tù (từ 22 năm xuống 19 năm tù về 2 tội danh)... Các bị cáo có mức án thấp từ 15 tháng tù giam được chuyển thành 15 tháng tù (án treo). Các bị cáo có mức án từ 15 tháng tù (án treo) được giảm bằng thời gian tạm giữ và trả tự do tại phiên toà phúc thẩm.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top