Tủ sách pháp luật ngày càng kém hiệu quả

09:20 - Thứ Tư, 13/11/2019 Lượt xem: 10349 In bài viết

ĐBP - Triển khai xây dựng tủ sách pháp luật theo Quyết định số 1067/1998/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, đến nay trên địa bàn huyện Ðiện Biên mỗi đơn vị cấp xã đã có 1 tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông thì tủ sách pháp luật cũng dần bộc lộ nhiều hạn chế, cần có giải pháp tháo gỡ.

Cán bộ tư pháp xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) sắp xếp tài liệu, sách pháp luật.

Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện Ðiện Biên, đến nay 25/25 xã trên địa bàn huyện đều được đầu tư Tủ sách pháp luật, hầu hết được đầu tư từ năm 1999 (trừ những xã mới chia tách, thành lập); trung bình mỗi tủ sách có ít nhất 50 đầu sách, xã nhiều nhất trên 200 đầu sách.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Tư Pháp huyện Ðiện Biên cho biết: Những năm đầu khi mới xây dựng Tủ sách pháp luật rất hiệu quả. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn lượt người đến UBND các xã đọc, mượn sách pháp luật, cũng như tìm hiểu kiến thức về các lĩnh vực kinh tế - xã hội; văn hóa, khoa học, đời sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của internet thì hiệu quả Tủ sách pháp luật ở cơ sơ giảm hẳn và gần như không có người dân đến tìm hiểu, mượn sách về đọc. Sau nhiều năm triển khai, mô hình Tủ sách pháp luật đang bộc lộ những bất cập. Ðó là một số lượng văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hàng năm khá nhiều làm cho việc cập nhật, thay thế ở cấp xã gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân. Việc tra cứu, tìm hiểu các văn bản pháp luật hiện nay chủ yếu được cán bộ, người dân thực hiện qua mạng internet. Chính vì vậy, những năm gần đây ít xã đầu tư mua sách mới. Do đó, hiện nay một số sách, tài liệu pháp luật được cấp, mua từ thời gian trước đã hết hiệu lực hoàn toàn hoặc hết hiệu lực một phần.

Theo Quyết định 06/2010/QÐ-TTg, ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật: Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật cấp xã do ngân sách cấp xã bảo đảm với định mức tối thiểu là 2 triệu đồng/năm. Ðối với các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thì định mức cao hơn. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà hiện nay các xã rất ít đầu tư mua sách mới. Ðiển hình tại xã Hua Thanh từ khi chia tách (năm 2013) đến nay cũng mới chỉ đầu tư mua sách 2 lần; còn lại do cán bộ tư pháp xã tự sưu tập, tìm kiếm mặc dù hàng năm xã vẫn được cấp kinh phí để mua sách, tài liệu mới. Anh Lê Quang Hòa, cán bộ tư pháp xã Hua Thanh cho biết: Nguyên nhân từ khi xã chia tách, thành lập đến nay mới chỉ mua 2 lần do số lượng đầu sách pháp luật hiện nay về cơ bản đảm bảo để cán bộ, người dân tìm hiểu (hiện nay có khoảng trên 50 đầu sách về pháp luật). Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng hơn là mua về không ai đến đọc, gây lãng phí. Theo thống kê hàng tháng chỉ 1 - 2 người đến tìm hiểu; có tháng, thậm chí có năm không có một người đến mượn đọc. Hiện nay, nếu có thắc mắc, chưa rõ hoặc không hiểu vấn đề gì thì người dân đến thẳng UBND xã gặp cán bộ để hỏi trực tiếp chứ không ai mượn sách. Ðối với cán bộ, công chức thì khi cần tìm hiểu thông tin hay tra cứu nội dung liên quan đến pháp luật họ đều tra cứu trên internet.

Tương tự, Tủ sách pháp luật của xã Pom Lót cũng rơi vào tình trạng không người đọc, mượn tài liệu. Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Năm 2014, sau khi chia tách xã, UBND xã đã ban hành quy chế xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật. Từ đó đến nay, UBND xã vẫn duy trì hoạt động của Tủ sách pháp luật song việc bổ sung các đầu sách còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân khai thác sử dụng sách pháp luật rất ít, có năm không có người nào đến đăng ký vì khi có nhu cầu tìm hiểu, người dân có quá nhiều sự lựa chọn trong việc tiếp cận thông tin như: Báo, đài, internet… Hiện nay, qua rà soát Tủ sách pháp luật của xã có 272 đầu sách. Tuy nhiên, số đầu sách còn giá trị sử dụng là 214 đầu sách; 58 đầu sách đã hết giá trị sử dụng.

Theo bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ðiện Biên thì không chỉ Tủ sách pháp luật của xã Hua Thanh, Pom Lót mà hầu hết các tủ sách ở các xã còn lại cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trước những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Tủ sách pháp luật, ngày 13/3/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019 về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, trong đó, điểm nhấn nổi bật là quy định về xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia. Theo đó, các loại sách, tài liệu pháp luật trong Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia sẽ bao gồm: Tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh; sách, tài liệu hỏi đáp, bình luận, giải thích, hướng dẫn pháp luật; tờ gấp, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật được liên kết, trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, công báo điện tử… Sách, tài liệu pháp luật cập nhật trên Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia sẽ được tra cứu, khai thác hoàn toàn miễn phí.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top