Vướng mắc trong xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

08:39 - Thứ Hai, 25/11/2019 Lượt xem: 11094 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Quyết định 691/QÐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện đánh giá, chấm điểm các tiêu chí TCPL.

Theo đó, để được công nhận chuẩn TCPL, đơn vị cấp xã phải đạt 5 tiêu chí: Bảo đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; thực hiện dân chủ cơ sở. Mỗi tiêu chí bao gồm các số điểm tương ứng với tổng điểm là 100, cấp xã đạt chuẩn TCPL phải không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa.

Cán bộ công an xã Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Năm 2017 toàn tỉnh có 62/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL (chiếm 47,7%); năm 2018, có 77/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (chiếm 59,2%); năm 2019 chưa thực hiện đánh giá, chấm điểm. TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên và TX. Mường Lay có tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn TCPL cao (đạt từ 90% - 100%). Việc triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL đã góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực; tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và tích cực tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Lãnh đạo một số huyện chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát việc xây dựng và đánh giá xã, phường đạt chuẩn TCPL, dẫn đến đánh giá một cách sơ sài và không khách quan, thực chất, không kịp thời. Các hoạt động liên quan đến đánh giá chuẩn TCPL còn chậm triển khai, có lúc, có nơi còn lúng túng; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện còn hạn chế. Việc lấy phiếu hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại UBND cấp xã chưa được khách quan… Bên cạnh đó, Quyết định 619/QÐ-TTg chỉ quy định trường hợp cộng, trừ điểm đối với chỉ tiêu cùng tăng hoặc cùng giảm mà không quy định với trường hợp nội dung này tăng, nội dung kia giảm… đã gây khó khăn trong công tác đánh giá. Tại điều 6 của Quyết định này quy định về điều kiện, tổng số điểm của các tiêu chí TCPL phải đạt từ 90/100 điểm tối đa trở lên đối với xã loại I; từ 80 điểm trở lên đối với xã loại II và 70 điểm trở lên đối với xã loại III. Nhưng thực tế, xã loại II và III trên địa bàn tỉnh là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, 100% kinh phí phụ thuộc vào ngân sách cấp trên cấp, vì vậy để đạt được số điểm theo quy định gần như bất khả thi. Tương tự, thời điểm xét xã TCPL để làm căn cứ đánh giá đạt chuẩn pháp luật về nông thôn mới cũng chưa hợp lý. Trên thực tế, việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm thường diễn ra trước thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn TCPL nên các cơ quan, đơn vị, địa phương không lấy kết quả TCPL để làm cơ sở đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðiều này, gây khó khăn cho các cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, quá trình thực hiện Quyết định số 619/QÐ-TTg phát sinh nhiều loại sổ theo dõi cung cấp thông tin, sổ theo dõi việc cập nhật thông tin pháp luật, sổ theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi tình hình niêm yết thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính…

Theo ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thì việc xây dựng và đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn hạn chế, nhất là ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chính vì vậy, hiện nay còn nhiều huyện tỷ lệ xã đạt chuẩn về TCPL thấp, đặc biệt là huyện Nậm Pồ mới có 2/15 xã đạt chuẩn và Tủa Chùa có 3/12 xã đạt chuẩn TCPL. Ðến hết năm 2018, toàn tỉnh vẫn còn 53 xã chưa đạt chuẩn TCPL theo quy định (chiếm 40,7% tổng số các xã, phường, thị trấn).

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL và 100% xã đạt tiêu chí TCPL trước khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời duy trì kết quả đạt chuẩn pháp luật với tỷ lệ đạt các tiêu chí trên 80%. Ðể đạt được mục tiêu này, thời gian tới các cấp, ngành chức năng cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, mô hình phù hợp. Cùng với đó, tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc xây dựng và đánh giá chuẩn TCPL của cấp ủy, chính quyền địa phương để đưa công tác TCPL đi vào thực chất. Ðặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn đánh giá, cách tính điểm các chỉ tiêu TCPL phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top