Y án 12 năm tù đối với giám đốc “vay lãi cao”

15:18 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 9527 In bài viết

Quá trình kinh doanh, Thanh cùng vợ là Tý vay lãi hàng chục tỷ đồng của nhiều người nhưng không có khả năng chi trả.

Phạm Phú Thanh (SN 1967, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Bình (viết tắt là Công ty Phú Bình). Quá trình kinh doanh, Thanh cùng vợ là Nguyễn Thị Tý (SN 1969, làm nghề nội trợ) vay lãi hàng chục tỷ đồng của nhiều người. Sau đó do không có tiền trả nợ và bị nhiều người đe doạ đòi nợ, vợ chồng Thanh đã bỏ trốn đến gần 5 năm sau mới bị bắt theo lệnh truy nã. 

Vợ chồng bị cáo Thanh và Tý tại phiên xử.

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của vợ chồng bị cáo Thanh-Tý. 

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, Công ty Phú Bình kinh doanh kết cấu thép. Trong thời gian điều hành công ty, do cần tiền làm ăn nên từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2011, Thanh đã bàn bạc với vợ vay lãi của nhiều người. Sau khi vay quá hạn không trả được, vợ chồng Thanh bỏ trốn nên các bị hại đã làm đơn gửi cơ quan Công an tố cáo. 

Một trong những bị hại là bà Chu Thị Ảnh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Do có quan hệ từ trước nên tháng 9-2011, sau khi vợ chồng Thanh hỏi vay bà Ảnh 4 tỷ đồng với lãi suất 2.500 đồng một triệu một ngày, thời gian vay là một tháng, bà Ảnh đồng ý cho vợ chồng Thanh vay tiền. 

Đến hạn mà vợ chồng Thanh mới trả được 50 triệu đồng nên bà Ảnh yêu cầu vợ chồng Thanh viết giấy bán xe ô tô Lexus, BKS 31E-1318, đăng ký chủ xe là Công ty Phú Bình để trừ nợ. 

Trước đó, vợ chồng Thanh cũng đã bàn giao cho bà Ảnh chiếc xe máy SH BKS 30M3-8563 để trừ nợ. Sau nhiều lần cộng trừ nợ, đến ngày 31-3-2012, vợ chồng Thanh viết giấy nhận nợ với bà Ảnh gần 3,7 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ đồng tiền gốc và gần 700 triệu đồng tiền lãi.

Trong giấy nhận nợ, vợ chồng Thanh hứa trong thời gian một tháng sẽ hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên đến hẹn, vợ chồng Thanh đã bỏ trốn. 

Trước khi chiếc xe ôtô Lexus mà vợ chồng Thanh gán nợ cho bà Ảnh, đã được Công ty Phú Bình thế chấp tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội để vay tiền kinh doanh. Chiếc ôtô này sau đó đã được bàn giao lại cho ngân hàng để đảm bảo việc thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Một bị hại khác là bà Nguyễn Thị Thanh Hà (ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Tháng 2-2010, qua người quen giới thiệu, Thanh gặp bà Hà hỏi vay tiền để kinh doanh với lãi suất 5.000 đồng một triệu một ngày. 

Từ tháng 2 đến tháng 6-2011, bà Hà đã cho vợ chồng Thanh vay 4 lần với tổng số tiền 9,6 tỷ đồng. Sau nhiều lần vay trả, tính đến cuối tháng 5-2012, vợ chồng Thanh chốt còn nợ của bà Hà tổng số tiền gần 24 tỷ đồng. 

Do Thanh không có tiền trả nợ nên bà Hà yêu cầu vợ chồng Thanh viết giấy biên nhận bán ngôi nhà ở số 46, lô 2, tổ 73, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cho mình và người quen để trừ nợ. Vợ chồng Thanh đã viết giấy bán nhà với giá 10 tỷ đồng theo yêu cầu của bà Hà. 

Sau khi viết giấy bán nhà, vợ chồng Thanh viết giấy biên nhận còn nợ của bà Hà gần 14 tỷ đồng và hẹn một tháng sau sẽ trả nốt. Nhưng thực tế thì trước khi viết giấy bán ngôi nhà số 46, lô 2, tổ 73, phường Hoàng Văn Thụ cho bà Hà, vợ chồng Thanh đã thế chấp ngôi nhà này tại chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội để vay tiền kinh doanh.

Đến hẹn không trả nợ được cho bà Hà, vợ chồng Thanh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. 

Ngoài hai bị hại trên, quá trình điều tra còn xác định, vợ chồng Thanh đã vay lãi của hai bị hại khác với số tiền gần 2 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa trả nợ được. 

Sau gần 5 năm bỏ trốn, tháng 2-1017, vợ chồng Thanh-Tý bị bắt theo lệnh truy nã.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an còn nhận được nhiều đơn tố cáo khác đề nghị giải quyết việc vợ chồng Thanh-Tý vay tiền của họ nhưng không trả. Nhưng cơ quan điều tra xác định, các trường hợp này cho vay tiền là quan hệ dân sự nên hướng dẫn họ gửi đơn đến Toà án dân sự để giải quyết theo quy định. 

Quá trình giải quyết vụ án, người thân mới giúp của vợ chồng Thanh-Tý mới khắc phục một phần hậu quả. 

Với hành vi phạm tội gây ra, cuối năm 2018, Thanh bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt 12 năm tù; Tý bị xử phạt 3 năm tù cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015).

Sau bản án sơ thẩm, vợ chồng Thanh-Tý có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ở chiều ngược lại, các bị hại trong vụ án có đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt đối với vợ chồng này. 

Tại phiên xử, vợ chồng bị cáo Thanh-Tý một lần nữa thành nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã xác định. Tuy nhiên cả hai bị cáo đều không ra được căn cứ gì mới để HĐXX phúc thẩm có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt. Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm nhận định, trong vụ án này, bị cáo Thanh giữ vai trò chính nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt. 

Bị cáo Tý là đồng phạm nên cần được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. 

Trên cơ sở đó, HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo đối với bị cáo Thanh; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tý. Như vậy, bị cáo Thanh vẫn phải thi hành bản án 12 năm tù, bị cáo Tý được giảm 1 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top