Lừa đảo qua điện thoại, Internet: chiêu cũ, nạn nhân mới

16:17 - Thứ Ba, 31/12/2019 Lượt xem: 8910 In bài viết

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tình hình ANTT như: lừa đảo dưới hình thức huy động vốn tín dụng, kinh doanh đa cấp, thương mại; lừa đảo “chạy” việc làm, “chạy” chế độ người có công; lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai…

Ổ nhóm chuyên tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản Facebook hàng tỷ đồng bị Công an TP Vinh triệt phá tháng 4-2019.

Đặc biệt, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn… Trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại gần 11 tỷ đồng.

Muôn kiểu lừa đảo

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An và Công an các huyện, thành, thị, trong năm 2019, cơ quan chức năng liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng giả danh Công an, người nhà của các quan chức Trung ương để lừa đảo “chạy việc”, “chạy chế độ”…

Tháng 8-2019, TAND tỉnh Nghệ An xét xử bị cáo Lê Quang Hòa (SN 1980), trú xã Bồng Khê, huyện Con Cuông 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn mà Hòa đưa ra là giả danh cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An hoặc cán bộ Công an TP Vinh, có mối quan hệ thân thiết với những người có chức vụ và quyền hạn trong các Sở, ban, ngành của UBND tỉnh Nghệ An nên có thể xin việc cho nhiều người vào các cơ quan nhà nước trong tỉnh, xin thuyên chuyển công tác từ các tỉnh, thành trên toàn quốc về Nghệ An. Với thủ đoạn trên, từ tháng 4-2016 đến tháng 12-2018, Lê Quang Hòa đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 11 người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Hay như trường hợp Cao Thị Thành Vinh (1983, trú phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) là nhân viên của Phòng Tổ chức hành chính, Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ, nhưng đi đâu Vinh cũng mạo danh là Cao Thị Diệu Linh, cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an.

Việc mạo xưng của Vinh không chỉ để “nổ” cho oai mà để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy việc”. Với chiêu thức này, Cao Thị Thành Vinh đã “bẫy” nhiều gia đình có nhu cầu “chạy việc” cho con em để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 400 triệu đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Lừa đảo chạy việc không còn là vấn đề mới, đa phần là “kịch cũ lặp lại”. Tuy nhiên, với chiêu bài quen thuộc là khoe khoang về mối quan hệ “ảo” và từng bước dẫn dụ “con mồi” nhẹ dạ, cả tin vào tròng thì dường như vẫn được các đối tượng xấu áp dụng hiệu quả.

Từ những vụ việc đã bị lực lượng chức năng phát hiện cho thấy, chạy việc vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo hoạt động. Và đây thường là thủ đoạn của những đối tượng không thành thạo công nghệ.

Còn đối với những đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin thì thủ đoạn của chúng tinh vi hơn nhiều. Tuy đã được cảnh báo bằng nhiều cách nhưng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người.

Trong khi đó, công tác đấu tranh vẫn gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vô cùng tinh vi, phạm vi hoạt động lại mang tính ẩn danh cao. Tất cả giao dịch, hoạt động lừa đảo diễn ra trên thế giới ảo, trong khi một bộ phận người bị hại với tâm lý e ngại, xấu hổ nên không khai báo.

Trở lại chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản Facebook mà Công an TP Vinh triệt xóa giữa năm 2019, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995) trú tại phường 2, TX Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Ban chuyên án đã phải mất ròng rã 6 tháng trời để truy tìm đối tượng gây án. Dưới sự điều hành của Tiến, 12 thanh niên tuổi đời còn rất trẻ sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng đã thực hiện hành vi lừa đảo trên phạm vi toàn quốc, tất cả giao dịch chuyển tiền của chúng đều được thực hiện qua Internet banking.

Theo tài liệu điều tra, các đối tượng hoạt động từ năm 2017 đến thời điểm bị bắt là tháng 4-2019, chúng đã chiếm hơn 500 tài khoản facebook, chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng, nạn nhân chủ yếu là người Nghệ An. Đây là thủ đoạn không hề mới, thậm chí là rất phổ biến.

Thế nhưng, có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn “sập bẫy” bởi các đối tượng đã tìm hiểu, nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ Facebook với bạn bè qua mục tin nhắn. Sau khi chiếm quyền sử dụng bằng cách thay đổi mật khẩu, đối tượng sẽ dựng lên màn kịch vay tiền, mượn tiền vì có việc cấp bách.

Tương tự, cuối tháng 9-2019, Công an huyện Thanh Chương đã bắt giữ Lê Thế Hoàng (SN 1995, trú tại thôn 7, xã Quang Minh, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi làm giả tin nhắn ngân hàng để chiếm đoạt của chị Lê Thị D. (SN 1993, trú tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương) 162 triệu đồng.

Theo khai nhận, đối tượng thường lên mạng, vào các trang Facebook, Zalo… của người khác, rồi tìm hiểu về thông tin cá nhân của họ. Sau đó, bằng thủ đoạn dùng các thiết bị viễn thông, điện thoại di động liên lạc nhờ bị hại chuyển tiền qua tài khoản, khi được bị hại đồng ý thì đối tượng tạo các tin nhắn giống cú pháp của các ngân hàng với nội dung đã chuyển tiền vào tài khoản của bị hại, làm cho bị hại lầm tưởng đã nhận được tiền và lập tức chuyển khoản số tiền đó cho đối tượng để hưởng hoa hồng.

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã phát thông báo cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới khiến nhiều người dân sập bẫy. Trước đó, nhiều người dân ở địa bàn tỉnh Nghệ An nhận được “giấy triệu tập”, "lệnh bắt bị can để tạm giam" hoặc lệnh, quyết định khác của Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra các cấp)… qua Zalo, Facebook trong khi bản thân người nhận không vi phạm gì.

Có nhiều người vì lo sợ, đã chuyển số tiền hơn 4 tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo sau khi nhận được "Lệnh bắt bị can để tạm giam" qua Zalo. Công an Nghệ An khẳng định, những văn bản này là giả, trước đây đã có rất nhiều vụ lừa đảo thông qua các cuộc gọi tự xưng là Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát,... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.

Thậm chí để tạo sự tin tưởng cho bị hại, các đối tượng sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng Internet giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an hoặc các cơ quan của Nhà nước nên khi người bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, qua mạng Internet… cũng không phát hiện được.

Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn

Trước sự gia tăng và diễn biến phức tạp về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, thời gian qua, Công an Nghệ An đã tăng cường chỉ đạo, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để chủ động đấu tranh với loại tội phạm này.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công văn số 8441/UBND 28-11-2019 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nắm vững phương thức, thủ đoạn lừa đảo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người thân, gia đình, bạn bè và nhân dân biết, nêu cao cảnh giác. 

Thông qua phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, lực lượng Công an cũng luôn khuyến cáo người dân thận trọng khi kết bạn, chia sẻ thông tin, giao dịch thương mại trên Internet, các trang mạng; tham gia các hình thức huy động vốn, kinh doanh đa cấp… Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.

Đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc đăng ký, sử dụng thuê bao di động, dịch vụ Internet, tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng… không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Công an tỉnh đã tổng hợp các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để phối hợp với cơ quan báo, đài thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo.

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm phát sinh liên quan.

Trong quá trình điều tra, các điều tra viên cũng đã chú ý làm rõ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm lừa đảo, rút ra quy luật hoạt động của tội phạm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các biện pháp khắc phục, phòng ngừa tội phạm. Phát hiện kịp thời, điều tra làm rõ,  xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh liên quan như: đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, gây rối TTCC, cố ý gây thương tích…

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã và đang phối hợp các đơn vị liên quan thiết lập lực lượng liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng Internet trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc đăng ký, quản lý thuê bao di động trả trước và thuê bao Internet… tăng cường chức năng quản lý Nhà nước đối với các website, trang mạng xã hội, sim rác nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top