Ngày xuân nói chuyện trợ giúp pháp lý cho người nghèo

14:52 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 10095 In bài viết

ĐBP - Khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, thì những trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh vẫn miệt mài mang kiến thức pháp luật đến với người nghèo vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó.

Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo).

Trong câu chuyện, ông Ðỗ Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chia sẻ với chúng tôi: “TGPL là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân, chủ yếu là người nghèo, yếu thế, gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa. TGPL giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Công việc đòi mỗi trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên ngoài những yêu cầu giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì sự tận tụy luôn là sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp”.

Ðiện Biên có trên 90% đối tượng cần TGPL, tuy nhiên với lực lượng mỏng của Trung tâm như hiện nay thì chưa thể đáp ứng hết, đó cũng là điều mà những người làm công tác TGPL trăn trở. Trong năm 2019, Trung tâm đã thụ lý, thực hiện 627 vụ việc cho 627 lượt người có đơn yêu cầu TGPL; trong đó 447 vụ việc thuộc lĩnh vực hình sự, 166 vụ việc pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình; 2 vụ việc hành chính và lĩnh vực khác là 2 vụ việc.

Ðến nay, Trung tâm đã thực hiện hoàn thành 291 vụ việc cho 291 lượt người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ việc và việc TGPL năm 2019 tăng 19,5%. Trong đó số vụ việc tham gia tố tụng tăng 37% (207 vụ việc).

Những năm qua, các trợ giúp viên pháp lý không nhớ bao lần băng rừng lội suối đến các thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Nhiều khi đi bộ cả ngày đường, nhưng tới nơi thì cả bản chỉ có vài người già và trẻ nhỏ. Không thể lên nương gọi từng người, cũng không đành quay ra thị trấn huyện, cuối cùng cả đoàn đành ngồi đợi người dân đi làm nương về. Tối đến, khi các gia đình ăn cơm xong, buổi tuyên truyền của các trợ giúp viên pháp lý mới bắt đầu.

Trong số rất nhiều vụ việc thành công mà Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã giành lẽ phải, mang lại sự công bằng cho người dân thì hành trình đòi lại trên 500 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDÐ) cho người dân huyện Mường Ảng là vụ việc ghi dấu ấn sâu đậm đối với nhiều trợ giúp viên.

Năm 2009, Công ty Cổ phần (CP) cà phê Thái Hòa Mường Ảng vận động người dân góp đất trồng cà phê và ký cam kết với các hộ gia đình góp vốn với công ty bằng QSDÐ; doanh nghiệp chịu mọi chi phí từ khâu làm đất, vật tư, giống, vốn đến tiêu thụ sản phẩm. Người dân góp đất được hưởng cổ tức hàng năm bắt đầu từ năm kinh doanh thứ nhất (tức là khi cà phê cho thu hoạch). Toàn huyện Mường Ảng có 508 hộ dân góp đất cho Công ty CP cà phê Thái Hòa với tổng diện tích trên 500ha. Năm 2012, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, nhờ đó mà nhiều hộ có thu nhập từ hình thức cổ đông này. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đầu năm 2013 Công ty làm ăn thua lỗ, bán 99% dự án trồng cà phê cho ngân hàng để gán nợ và phá vỡ hợp đồng góp đất của người dân như cam kết. Không được hưởng lợi từ cổ phần, không công ăn việc làm, không đất trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ dân rơi vào cảnh “trắng tay”. Vì thế người dân đã khởi kiện đối tác. Ðơn vị hỗ trợ pháp lý cho 508 hộ dân là Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh. Trước những chứng cứ, lập luận chính xác phía hỗ trợ pháp lý, Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Mường Ảng phải hoàn trả toàn bộ quyền sử dụng diện tích đất và Giấy chứng nhận QSDÐ cho 508 hộ dân; đồng thời giao toàn bộ cây cà phê trên diện tích đất góp cho người dân chăm sóc, hưởng lợi.

Nhớ lại vụ việc này, ông Ðỗ Xuân Toán cho biết: “Ðể hoàn thiện các thủ tục dân sự khi tham gia tố tụng mất rất nhiều thời gian và công sức, với số lượng trên 500 hộ dân, tương ứng chừng đó bộ hồ sơ, chưa kể có những trường hợp đi làm ăn xa, không ủy quyền nên đành phải kiên nhẫn đợi; cũng vì thế mà chúng tôi mất 4 năm để hoàn thiện và lấy lại QSDÐ cho các hộ dân”.

Không chỉ TGPL miễn phí cho người dân trong lĩnh vực đất đai, tài sản, mà những việc nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày cũng được trợ giúp viên pháp lý hết mình giúp đỡ. Còn nhớ cách đây chưa lâu, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, một gia đình có 3 con: 7 tuổi, 6 tuổi và bé nhất là gần 20 tháng tuổi. Gia đình này không cho con đi học cũng không làm Giấy khai sinh cho con. Vì thế, các cháu không đủ cơ sở, thủ tục để được hưởng các chế độ Bảo hiểm Y tế và các quyền lợi hợp pháp khác. Trước tình cảnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tiến hành hỗ trợ, giúp đỡ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn cho các cháu, mặc dù trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, bởi hồ sơ, họ tên bố mẹ của các cháu không đồng nhất.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại phòng làm việc vang lên. Sau một hồi tư vấn, giải thích với người ở đầu dây bên kia, ông Ðỗ Xuân Toán gác điện thoại, điềm đạm bảo: Một người dân ở huyện Nậm Pồ gọi hỏi “cán bộ xã uống rượu say thì người dân phải xử lý như thế nào?!” Ðây là một tín hiệu đáng mừng, vì người dân nghèo vùng sâu vùng xa đã quan tâm đến luật pháp. Khi người ta quan tâm đến luật pháp thì việc chấp hành pháp luật của người dân cũng tốt lên.

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top