Nỗ lực ngăn chặn tín dụng đen

09:08 - Thứ Năm, 05/03/2020 Lượt xem: 9003 In bài viết

ĐBP - Trước những lời quảng cáo, mời chào bằng thủ tục cho vay dễ dàng, nhanh chóng, không ít người vì cần tiền gấp mà rơi vào bẫy “tín dụng đen” (TDÐ), để rồi ăn ngủ không yên bởi không chỉ chịu lãi suất cao mà còn phải đối mặt với các hình thức đòi nợ “mang đầy tính đe dọa”. Trước những diễn biến phức tạp về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDÐ, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng như nhiều đơn vị liên quan, trong đó “chủ lực” là ngành Công an và Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đấu tranh. 

Người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Agribank tại điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng tại xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên).

Nhận diện tín dụng đen

Trao đổi về thực trạng hoạt động TDÐ trên địa bàn, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Các đối tượng kinh doanh dưới hình thức này thường thành lập công ty, cửa hàng kinh doanh để hợp pháp hóa, một số không có cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh. Phương thức, thủ đoạn cho vay rất tinh vi để trốn tránh quy định của pháp luật như: Giao dịch cho vay bằng thỏa thuận ngầm, việc vay nợ được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền để xin việc làm vào cơ quan Nhà nước, thế chấp tài sản có giá trị cao (nhà đất, ô tô…) với giá thấp có công chứng hoặc buộc người vay tiền phải làm thủ tục bán tài sản cho đối tượng, sau đó thuê lại tài sản... Ðến khi người vay chỉ có thể trả một phần hoặc không trả nợ được, đối tượng trực tiếp hoặc thuê người đòi nợ bằng thủ đoạn như: Tụ tập trước nhà, ném chất bẩn vào nhà, đe dọa giải quyết theo kiểu “luật rừng” để gây sức ép, khủng bố tinh thần... buộc “con nợ” phải trả tiền.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Trần Duy T., thôn Thanh Ðông, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) kể lại: “Cách đây hơn nửa năm, một nhóm thanh niên 4 người với vẻ mặt hung tợn đã xông vào nhà tôi với lý do đòi tiền nợ. Ðến lúc này vợ chồng tôi mới tá hỏa khi biết con trai mình đã vay 30 triệu đồng của các đối tượng trên với tiền lãi phải trả là 2,7 triệu/tháng. Thu nhập của vợ chồng tôi chỉ trông chờ vào tiền đi làm thuê, bởi vậy “vét” hết tiền trong túi lúc đó cũng chỉ trả được lãi. Cũng vì chưa trả được nợ mà cứ “dăm bữa nửa tháng” các đối tượng trên lại tìm đến nhà đe dọa. Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, để có một cái tết yên bình, vợ chồng tôi đành “cắn răng” bán đi phương tiện đi làm duy nhất là chiếc xe máy, nhưng cũng chỉ trả được 1/3 số nợ.”

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ liên quan đến hoạt động TDÐ; cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ, bắt 7 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, qua rà soát 171 lượt cơ sở cầm đồ và điểm hỗ trợ, tư vấn tài chính, lực lượng chức năng phát hiện 14 cơ sở vi phạm, xử lý hành chính 24 triệu đồng. Gồm 3 cơ sở cho vay có cầm cố tài sản nhưng lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố; 2 cơ sở nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định pháp luật.

Lấy tín dụng chính thống đẩy lùi TDĐ

Nạn TDÐ có điều kiện hoành hành cũng bởi một phần người dân có thể dễ dàng vay tiền với thủ tục đơn giản và nhanh chóng, trong khi đó, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, khách hàng phải thực hiện những thủ tục chặt chẽ nhất định, có giải pháp sử dụng vốn vay, đảm bảo nguồn vốn để trả nợ… Chính vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy lùi nạn TDÐ mà ngành Ngân hàng đang nỗ lực triển khai đó là tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn TDÐ, từ tháng 3/2019, một số chương trình cho vay đã được điều chỉnh hạn mức vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ; không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi; đồng thời, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo. Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, đến hết tháng 2/2020, tổng dư nợ của Ngân hàng đạt trên 2.940 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo toàn tỉnh đạt hơn 1.920 tỷ đồng với trên 52.000 khách hàng dư nợ.

Với mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa và góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, từ cuối năm 2018 đến nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Ðiện Biên đã triển khai 3 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng tại các xã: Núa Ngam, Noong Luống, Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên). Sau hơn 1 năm hoạt động, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng đã thực hiện được 46 phiên, dư nợ đạt trên 15,2 tỷ đồng với hơn 800 khách hàng dư nợ. Cùng với đó, Agribank đã tiên phong triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng với các món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng không có tài sản bảo đảm, xét duyệt, giải ngân trong ngày.

Cần sự phối hợp

Thực tế cho thấy, có hai nhóm đối tượng thường tìm đến TDÐ. Bên cạnh nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá... thì nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng do phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống. Vì vậy, cùng với tập trung tăng quy mô vốn, các ngân hàng nên cải thiện thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận lợi hơn để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả. Có “cầu” ắt có “cung”, TDÐ vẫn còn đất sống nếu vẫn còn nhu cầu về vốn, nhất là với nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp. Bởi vậy, để xử lý triệt để TDÐ, cần sự hợp lực của các cấp, ngành.

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động cầm đồ, cho vay tài chính. Triển khai thực hiện tốt công tác trinh sát, nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xác định chính xác các đối tượng, đường dây, tổ chức nghi vấn liên quan đến TDÐ. Gắn đấu tranh, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ; triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ðồng thời tăng cường phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân các chính sách liên quan đến tài chính, quy định của pháp luật về việc vay, huy động, sử dụng vốn an toàn; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi. Ðể tự bảo vệ, người có nhu cầu về tài chính cần tìm hiểu kỹ các quy định khi thực hiện hợp đồng vay tiền, tránh ký vào giấy vay nhận mà không hiểu nội dung sẽ gây hệ lụy về sau.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top