Mường Nhé tăng cường quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

09:06 - Thứ Sáu, 24/04/2020 Lượt xem: 9901 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 90%; những năm qua, với sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nên hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện Mường Nhé tương đối ổn định, các tín đồ cơ bản chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, là huyện có đường biên giới giáp Trung Quốc và Lào, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng di cư tự do cao nên Mường Nhé luôn là điểm “nóng” về hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật. Các phần tử xấu, phản động đã lôi kéo, dụ dỗ người dân “nhẹ dạ cả tin” tham gia các hoạt động đi ngược chuẩn mực văn hóa và pháp luật để chống phá Ðảng, Nhà nước. Ðiển hình như từ năm 2017 tới nay trên địa bàn huyện Mường Nhé xuất hiện 2 tà đạo là: Giê Sùa và Bà Cô Dợ đã và đang từng bước lôi kéo người dân thoát ly sự kiểm soát, quản lý của chính quyền. Mặc dù cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động 63 hộ, 371 nhân khẩu từ bỏ 2 tà đạo này (Giê Sùa 28 hộ, 180 nhân khẩu; Bà Cô Dợ 35 hộ, 191 nhân khẩu). Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn một số hộ lừng chừng chưa chịu từ bỏ, cho dù đã ký cam kết từ bỏ nhưng vẫn cố tình không nghe, không quay lại sinh hoạt theo hệ chính thống. Ðặc biệt, các đối tượng còn ngấm ngầm tin theo tà đạo và hoạt động tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau.

Công an huyện Mường Nhé đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không tin, nghe theo kẻ xấu, đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư.

Tính đến nay, huyện Mường Nhé ghi nhận 9/11 xã có người theo đạo với 3.479 hộ, 20.557 nhân khẩu, sinh hoạt ở 86 điểm nhóm, 7 hệ phái. Trong đó, 70 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Hiện nay, huyện vẫn còn 16 điểm nhóm chưa được công nhận bởi nhiều nhóm vẫn còn tình trạng di cư tự do, chưa có nơi ở cố định, mới tập trung sinh hoạt; hệ phái tôn giáo mới chưa được cấp có thẩm quyền công nhận; địa bàn rộng, các tín đồ sinh hoạt không tập trung... Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Nhé cho biết: Ðể làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, bản có đông đồng bào DTTS, tín đồ sinh sống. Ðặc biệt, huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo cả về số lượng và chất lượng; tăng cường đối thoại trực tiếp với đồng bào theo tôn giáo; gặp gỡ, tiếp xúc các trưởng, phó nhóm các nhóm đạo. Ðộng viên, khuyến khích chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia tích cực vào các phong trào đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ðối với các xã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, truyền đạo trái pháp luật (Mường Toong, Chung Chải, Pá Mỳ...), huyện Mường Nhé đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã thành lập tổ công tác xuống bám, nắm địa bàn, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác, không tin, nghe theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ðồng thời, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, ngăn chặn có hiệu quả, triệt để các nhóm đối tượng tuyên truyền đạo lạ, tà đạo ngay từ khi mới nhen nhóm. Thường xuyên nắm bắt tình hình, rà soát và phân loại các đối tượng có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Ðảng, Nhà nước, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Có thể thấy rằng, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngăn chặn truyền đạo trái phép, không để phát sinh điểm “nóng” hoặc những vấn đề phức tạp về tôn giáo, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành huyện Mường Nhé, người dân, nhất là đồng bào DTTS, các tín đồ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top