Vướng mắc trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

09:01 - Thứ Sáu, 29/05/2020 Lượt xem: 8845 In bài viết

ĐBP - Tính đến tháng 2/2020, toàn tỉnh có 92/129 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), chiếm tỷ lệ 71,3%. Việc triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL đã góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực. Ðặc biệt, việc bổ sung xã đạt chuẩn TCPL là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cán bộ ngành Kiểm sát phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về tác hại của ma túy cho người dân xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên.

Trước hết, theo quy định tại điều 6 của Quyết định 619/QÐ-TTg, để được công nhận đạt chuẩn TCPL, xã phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí TCPL phải đạt từ 90% điểm tối đa trở lên đối với xã loại I, từ 80% trở lên đối với xã loại II và từ 70% trở lên đối với xã loại III. Nhưng thực tế, xã loại II và III trên địa bàn tỉnh là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, 100% kinh phí phụ thuộc vào ngân sách cấp trên cấp, vì vậy để đạt được số điểm theo quy định gần như bất khả thi. Những chỉ tiêu, tiêu chí khó chủ yếu ở các lĩnh vực bố trí nhân lực, tài chính, điều kiện cơ sở hạ tầng… Cụ thể như: Chỉ tiêu 3, Tiêu chí 4 hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên; chỉ tiêu 2, Tiêu chí 2 quy định, bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định; bảo đảm diện tích làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Mặt khác, thời điểm đánh giá TCPL tại Ðiều 7, Quyết định 619/QÐ-TTg; Ðiều 6 Thông tư 07/2017/TT-BTP chưa hợp lý, vì trên thực tế, việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm thường diễn ra trước thời điểm đánh giá TCPL nên các cơ quan đơn vị, địa phương không lấy kết quả đánh giá TCPL để làm cơ sở đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðiều này gây khó khăn cho các cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện. Thậm chí, có trường hợp một số xã phải thực hiện đánh giá xã đạt chuẩn TCPL trước thời điểm theo quy định để phục vụ việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tương tự, nội dung chi, mức chi và cơ chế phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL trong các văn bản chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.

Bên cạnh đó, yêu cầu về tài liệu kiểm chứng còn chung chung, quá trình thực hiện Quyết định số 619/QÐ-TTg phát sinh nhiều loại sổ như: Sổ theo dõi cung cấp thông tin, sổ theo dõi việc cập nhật thông tin pháp luật, sổ theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi tình hình niêm yết thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính… trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức sử dụng sổ để phản ánh nội dung cần đánh giá. Việc bố trí cán bộ, kinh phí cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu thực hiện lồng ghép với nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và các nguồn khác nên hiệu quả đạt được chưa cao…

Theo ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thì việc xây dựng và đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn hạn chế, nhất là ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chính vì vậy, hiện nay một số huyện tỷ lệ xã đạt chuẩn về TCPL thấp, đặc biệt là huyện Tủa Chùa mới có 3/12 xã đạt chuẩn; Nậm Pồ có 6/12 xã; Ðiện Biên Ðông có 5/14 xã, thị trấn đạt chuẩn TCPL. Ðến hết tháng 2/2020, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh vẫn còn 34 xã chưa đạt chuẩn TCPL theo quy định (chiếm 28,7% tổng số các xã, phường, thị trấn). Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL và 100% xã đạt tiêu chí TCPL trước khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì kết quả đạt chuẩn pháp luật với tỷ lệ đạt các tiêu chí trên 80%... Ðể đạt mục tiêu đó một số giải pháp cụ thể đã được đưa ra như: Ðẩy mạnh tuyên truyền; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng đánh giá TCPL cấp huyện; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; huy động các nguồn lực từ xã hội... Liên quan đến việc thực hiện phân bổ kinh phí, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch hoạt động kèm dự toán kinh phí, trên cơ sở đó cấp có thẩm quyền xét, duyệt các hoạt động theo kế hoạch và hỗ trợ kinh phí thực hiện đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và thực tiễn địa phương.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top