Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

08:40 - Thứ Hai, 29/06/2020 Lượt xem: 7920 In bài viết

ĐBP - Việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, mở đợt cao điểm triệt phá nhiều đường dây, tổ chức giải cứu thành công nhiều nạn nhân của các lực lượng chức năng, tội phạm mua bán người đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh những năm gần đây cơ bản được kiềm chế, song vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Công an huyện Tuần Giáo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Tỏa Tình. Ảnh: Mai Phương

Còn nhiều khó khăn

Ðại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Các đối tượng phạm tội mua bán người trên địa bàn tỉnh sử dụng “chiêu bài” rất tinh vi với phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để lừa gạt các nạn nhân. Dưới danh nghĩa giúp tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc lợi dụng có mối quan hệ thân quen từ trước nhằm rủ rê đi chơi, giả vờ yêu đương sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi đưa qua biên giới bán cho các đối tượng người nước ngoài. Qua nhiều chuyên án cho thấy, một số đối tượng còn giả danh là công an hoặc bộ đội biên phòng đang công tác tại các khu vực biên giới tỉnh Lào Cai, gọi điện vờ tán tỉnh yêu đương hoặc đe dọa nạn nhân có liên quan đến các vụ án ma túy, mua bán người mà cơ quan công an đang điều tra khiến nạn nhân tin tưởng. Khi đã có sự tin tưởng, đối tượng lừa nạn nhân lên Lào Cai rồi bán sang Trung Quốc. Ðiển hình như năm 2017, đối tượng Hầu A Thái cùng đồng bọn (trú tại bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đã dùng tài khoản facebook có gắn ảnh đại diện cá nhân là một nam thanh niên mặc quân phục bộ đội biên phòng Việt Nam để kết bạn với nhiều nạn nhân ở huyện Ðiện Biên Ðông. Khác với trước đây, thay vì trực tiếp tiếp cận và làm quen với nạn nhân thì hiện ngày càng nhiều đối tượng phạm tội đã thông qua mạng xã hội facebook, zalo để liên lạc với nạn nhân. Ðiều đó giúp đối tượng hạn chế đối đa việc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân... khiến công tác đấu tranh phòng ngừa của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Tâm lý nhẹ dạ, cả tin, cùng với nhận thức pháp luật của một bộ phận dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế đã khiến không ít trẻ em, phụ nữ vùng cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Do hạn chế về kinh phí nên đến nay việc xây dựng các mô hình phòng ngừa mua bán người, mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán... tại cộng đồng vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Là đơn vị thường xuyên phối hợp trong công tác phòng ngừa mua bán người, hiện nay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vẫn duy trì hoạt động của 591 câu lạc bộ cùng mục tiêu chung như: Phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, phụ nữ với pháp luật... chứ chưa có một mô hình riêng về phòng ngừa tội phạm mua bán người tại cơ sở.

Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân vẫn chủ yếu là lồng ghép thông qua các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hội, nhóm, câu lạc bộ mà không tổ chức hoạt động mang tính chuyên sâu. Do đó hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế.

Ðẩy mạnh đấu tranh, phòng ngừa

Muốn tạo chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa trước hết phải thay đổi nhận thức, hành vi ngay tại cơ sở. Do đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm mua bán người phải luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhất là với địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó giúp người dân biết được thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Năm 2019, Công an tỉnh đã tổ chức 302 buổi tuyên truyền thu hút hơn 20.800 lượt người tham gia. Trong đó tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người cho 270 cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa). Ðồng thời duy trì 28 hòm thư tố giác tội phạm tại các địa bàn trọng điểm, góp phần nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác có liên quan đến tội phạm mua bán người.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất nhập cảnh. Nhờ đó tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, có xu hướng giảm dần: Năm 2017 bắt 15 vụ, 32 đối tượng, giải cứu 23 nạn nhân; năm 2018 còn 4 vụ, bắt 9 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân; từ năm 2019 đến nay đã phá thành công 5 chuyên án, bắt giữ 7 đối tượng, giải cứu 6 nạn nhân bị mua bán.

Theo Ðại tá Tráng A Tủa, dự báo tội phạm mua bán người thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do đó cần sự chủ động, nỗ lực phòng ngừa của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Phần lớn nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa có hoàn nghèo đói, khó khăn, thất nghiệp nên một trong những giải pháp bền vững là tập trung xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho các đối tượng có nguy cơ cao; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, trọng yếu.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top