Ngăn chặn “tín dụng đen”

09:04 - Thứ Tư, 08/07/2020 Lượt xem: 7366 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 24/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; tỉnh ta triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi, hoạt động “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính vi phạm; đặc biệt là đấu tranh thành công các chuyên án liên quan đến “tín dụng đen” đã truy thu tiền thu lợi bất chính của các đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự hàng tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Tuyên truyền các quy định của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính và các phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả của “tín dụng đen” giúp cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, cảnh giác là giải pháp được chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng thực hiện. Với vai trò là cơ quan thường trực, công an các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân các quy định của pháp luật và tổ chức tháo dỡ các biển hiệu, băng rôn, quảng cáo cho vay tín dụng không đúng quy định; tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo trái phép; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, bảo kê cho các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Ðặc biệt là thực hiện nghiêm nội dung quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn; kiểm tra, quản lý chặt chẽ các loại hình kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 174 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính đang hoạt động. Ðể thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp trong tỉnh tiến hành kiểm tra tại 175 lượt cơ sở. Qua kiểm tra đã yêu cầu 1 cơ sở tư vấn, hỗ trợ tài chính dừng hoạt động, tháo dỡ biển hiệu với lý do không có giấy phép hoạt động; xử phạt 2 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về ANTT với số tiền 7 triệu đồng. Cũng từ năm 2018 đến trung tuần tháng 4/2020 cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử 3 vụ án, 7 đối tượng phạm tội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Gần nhất là đầu tháng 9/2019, Công an TP. Ðiện Biên Phủ phá thành công chuyên án 919T, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Chu Thị Thủy (SN 1973, trú tại số nhà 63, tổ dân phố 4, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trước đó, cuối tháng 4/2019 phòng PC03 (Công an tỉnh) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan phá chuyên án 119H, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1990, trú tại tổ dân phố 8, phường Nam Thanh); Dư Tùng Dương (SN 1997, trú tại tổ dân phố 8, phường Mường Thanh); Trần Tuấn Anh (SN 2000, trú tại tổ dân phố 25, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) và Nguyễn Ðức Hoàn (SN 2000, trú tại đội 19, xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản; đồng thời tổ chức khám xét tại 5 địa điểm hoạt động trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Quá trình khám xét tạm giữ 3 xe ôtô, 19 xe máy, 2 máy tính xách tay, 15 điện thoại di động; 122,75 triệu đồng; 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án… Ðấu tranh thành công các chuyên án liên quan đến “tín dụng đen” đã truy thu tiền thu lợi bất chính của các đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự trên 1,5 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Trong giao dịch “tín dụng đen”, người vay tiền thường là những đối tượng vi phạm về hình sự, tệ nạn xã hội, như: Cờ bạc, lô đề, đã vay nợ nhiều nơi, nhiều lần… không có khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay khác. Khi không trả được tiền vay, người vay sẽ bị chủ nợ đe dọa, cưỡng đoạt tài sản nhưng không dám trình báo với cơ quan công an vì bản thân có liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến công việc, gia đình hoặc bị các đối tượng đe dọa, khống chế, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống, tội phạm. Trong khi các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường là những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động dưới hình thức kinh doanh dịch vụ thương mại, cầm đồ, hỗ trợ tài chính để cho vay nặng lãi; một số đối tượng tuy không đăng ký kinh doanh nhưng cấu kết với các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn để gây sức ép, đe dọa nạn nhân khi không trả được nợ. Những đối tượng này có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng (đứng sau chỉ đạo người trong đường dây của mình thực hiện, hoạt động lưu động, không có địa chỉ cố định); đồng thời cho vay qua nhiều hình thức, không thể hiện lãi suất trên giấy tờ, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và quá trình thu thập tài liệu, đấu tranh, xử lý đối tượng. Chính vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đề cao cảnh giác, không để trở thành người bị hại của các đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính... để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top