Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

09:05 - Thứ Tư, 08/07/2020 Lượt xem: 11490 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức, như: Thông qua kinh doanh đa cấp; lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai; đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông với diễn biến phức tạp, khó lường. Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác đấu tranh của cơ quan chức năng.

Ðối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả được Hạnh dùng để thực hiện hành vi lừa đảo. Ảnh: C.T.V

Tháng 6/2020, Công an TP. Ðiện Biên Phủ đã làm rõ một vụ sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, khoảng giữa tháng 4/2020, Công an TP. Ðiện Biên Phủ nhận được tin báo của bà Vũ Thị Lan (đội 18, xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) tố giác Nguyễn Thị Hồng Hạnh (tổ dân phố 3, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) có hành vi dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để cầm cố vay của bà Lan số tiền lớn. Công an TP. Ðiện Biên Phủ đã điều tra, xác minh. Kết quả, đối tượng Hạnh khai nhận, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, Hạnh đã dùng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên Nguyễn Thị Hồng Hạnh và 2 bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để vay tiền của bà Vũ Thị Lan với tổng số tiền là hơn 2,6 tỷ đồng và 4,5 cây vàng. Công an TP. Ðiện Biên Phủ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Hạnh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Một phương thức được tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng trong thời gian qua là giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Viện Kiểm sát nhân dân, Công an) hoặc các cơ quan hành chính để lừa gạt người dân. Ðây là thủ đoạn không mới, đã được lực lượng công an và các cơ quan truyền thông thường xuyên thông tin, tuyên truyền song một số người vẫn mất cảnh giác. Ðơn cử vụ việc cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng nữ, mạo danh là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gọi điện đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh bằng nhiều số điện thoại khác nhau để thông báo với nội dung: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổ chức hội nghị về công tác xây dựng Ðảng trong thời gian 1 ngày, mỗi Ðảng bộ cử 3 đồng chí (trong cấp ủy) đến dự hội nghị, mỗi đồng chí khi tham dự hội nghị sẽ nhận được chế độ là 1,6 triệu đồng cùng một bữa ăn trưa. Nhưng mỗi người khi tham gia hội nghị phải nộp 1,2 triệu đồng tiền mua tài liệu. Tài liệu này sẽ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi qua đường bưu điện và nhân viên bưu điện sẽ trực tiếp thu tiền. Trước thông tin trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có công văn thông báo khẳng định những nội dung và hành vi đó là lừa đảo, giả mạo, lợi dụng uy tín của Ban để chiếm đoạt tài sản. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy không có kế hoạch và không tổ chức bất kỳ hội nghị nào về công tác xây dựng Ðảng như thông tin đối tượng thông báo. Ban cũng không cử cán bộ liên hệ, giới thiệu, làm trung gian hoặc bất cứ hình thức nào để thông báo về hội nghị, về mua tài liệu phục vụ hội nghị.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian qua xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quy định pháp luật về một số lĩnh vực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước ở nhiều lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn sơ hở, thiếu sót; sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…

Ðể phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh, trật tự, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người dân cần nâng cao cảnh giác. Khi nhận được các cuộc điện thoại từ số máy cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước hay cơ quan công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại thì cần xác minh rõ. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top