Phía sau những phiên tòa

09:19 - Thứ Năm, 30/07/2020 Lượt xem: 7895 In bài viết

ĐBP - Mỗi bản án được tòa phán quyết là cái giá phải trả dành cho những kẻ bất chấp luật pháp, sức khỏe, tính mạng của đồng loại. Nhưng phía sau đó là nỗi xót xa về số phận, tương lai của những đứa trẻ vô tội, sự đau buồn khôn nguôi của người vợ và những bậc sinh thành.

Những đôi mắt lo lắng, thất thần của người thân bị cáo trong một vụ án ma túy được xét xử  tại Tòa án nhân dân huyện Ðiện Biên. Ảnh: C.T.V

Một ngày đầu tháng 6, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Lò Văn Pấng (sinh năm 1975, trú tại bản Lao, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng) về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Sáng sớm, vợ, mẹ và hàng chục người thân của Pấng đã có mặt ở cổng tòa án với mong mỏi được nhìn thấy Pấng. Có lẽ chị Lò Thị Hịa - vợ của Pấng từ lâu đã không có một giấc ngủ trọn vẹn. Chị ngồi bệt xuống đất, tay bó gối, tựa vào tường bao của trụ sở tòa án, mắt nhìn vào khoảng không vô định. Khi lực lượng chức năng dẫn giải Pấng từ chiếc xe chuyên dụng, chị Hịa bật dậy bước nhanh tới, nhưng bị ngăn lại nên đành lặng lẽ quay lại dẫn mẹ chồng vào trong để theo dõi phiên tòa. Ngồi dưới hàng ghế dành cho người nhà bị cáo, bà Bạc Thị Xôm - mẹ Lò Văn Pấng xót xa nhìn con trai đã lâu ngày bà chưa gặp. Mà ngay cả khi chưa bị bắt thì cũng chẳng mấy khi Pấng ở nhà. Ðôi mắt mờ đục của người mẹ già đã ngoài 70 tuổi cũng không còn nước mắt. Bà chỉ đau đáu mong mỏi một điều là con bà không phạm tội, sớm trở về cuộc sống bình yên như ngày xưa. Nhưng điều ước giản dị đó không thành hiện thực, vì với số lượng hêrôin và methamphetamine mà lực lượng chức năng bắt quả tang khi Pấng đang mua bán không thể chối cãi. Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Pấng án tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bà Xôm suy sụp khi nghe tuyên án, đôi bàn tay gầy guộc, run run vịn vào bàn, nghẹn ngào! Bà lặng lẽ rời tòa án. Dẫu biết đó là cái giá mà Pấng phải trả cho hành vi sai trái, nhưng bà vẫn không khỏi xót xa bởi ngày trở về của con trai không ấn định mà thời gian của cuộc đời bà thì không còn nhiều.

Nhìn bà Xôm, tôi chợt nhớ một bà mẹ khác cũng đến dự phiên tòa xử con trai về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ðó là một ngày tháng 3/2020, tại Tòa án nhân dân tỉnh diễn ra phiên xét xử Vàng A Tùng (sinh năm 1991, bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ). Một cụ bà vẻ mặt thất thần, tay dắt 2 đứa trẻ gắng hết sức mình để tiến sát về phía bị cáo nhưng lực lượng bảo vệ phiên tòa ngăn lại. Bởi theo quy định không được phép đưa trẻ em dưới 16 tuổi vào khu vực xét xử, trừ trường hợp là người liên quan trực tiếp đến vụ án. Bị cản lại, bà cụ cố gắng dùng vốn tiếng phổ thông ít ỏi của mình để diễn tả cho mọi người biết rằng: 2 đứa bé này là con của bị cáo Vàng A Tùng, còn bà là mẹ đẻ của bị cáo Tùng. Khi được Hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng, bị cáo Tùng đã ân hận nói: “Tôi đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình, tôi đã làm bố mẹ, vợ con phải đau buồn. Tôi mong những người trong bản, trong xã Si Pa Phìn hãy nhìn vào tôi và đừng phạm tội giống như tôi”.

Từ khi sinh ra Tùng, người mẹ luôn ước vọng về một chỗ dựa lúc về già. Hy vọng bao nhiêu giờ thất vọng bấy nhiêu, nhưng trong sâu thẳm bà luôn cầu mong cho đứa con trai sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình. Cũng vì thế, từ khi Tùng thi hành án phạt tù ở Trại giam Yên Hạ (tỉnh Sơn La), người mẹ già ấy thường xuyên đến nhà Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn nhờ nói giúp với cơ quan chức năng mong mỏi Tùng sớm trở về. Ở độ tuổi của bà, lẽ ra phải được phụng dưỡng và vui vầy bên con cháu nhưng bây giờ bà lại trở thành một trong những lao động chính trong gia đình để nuôi cháu nội.

Khi chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật, để những đứa con thơ thiếu thốn, bố mẹ già vất vả, liệu rằng có sự hối hận muộn màng đối với những người buôn bán “cái chết trắng”?

Tú Anh
Bình luận
Back To Top