Cảnh giác với ứng dụng vay tiền online

09:59 - Thứ Ba, 11/08/2020 Lượt xem: 10934 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì các ứng dụng (app) trên điện thoai thông minh ngày càng nở rộ, đa dạng. Trong đó, một số ứng dụng cho vay tiền online đang phát triển khá nhanh; mặc dù chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn, nhưng phương thức tín dụng này đã và đang được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết những người đã từng vay tiền online đều nhận thấy họ đã “sập bẫy” dịch vụ ảo, bởi số tiền vay và số tiền phải trả chênh nhau rất nhiều, trong khi người vay tiền không thể dễ dàng chấm dứt hợp đồng đã vay.

Một ứng dụng vay tiền online được quảng cáo trên mạng internet. Ảnh minh họa

Từng là nạn nhân của ứng dụng cho vay tiền online qua điện thoại, anh N.V.K, trú tại tổ 5, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ cài đặt các ứng dụng giao dịch tiền mặt qua điện thoại. Sau đó, các ứng dụng cho vay tiền online thông qua đó mời chào tôi vay mượn tiền. Kích vào xem một ứng dụng tín dụng có tên F. tôi thấy thủ tục vay mượn tiền khá đơn giản, chỉ cần chụp ảnh hai mặt chứng minh thư nhân dân, khai báo số điện thoại, địa chỉ và nhập số mã khóa (OTP) gửi về điện thoại là có thể vay được từ 5 – 40 triệu đồng. Cùng với đó, lãi suất được nhà quản lý ứng dụng đưa ra khá thấp, chỉ tương ứng với lãi ngân hàng, thu gốc và lãi hàng tháng qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng ngân hàng. Khi tôi chấp nhận các điều khoản vay tiền, thì ngày hôm sau số tiền vay đã chuyển vào tài khoản của tôi. Tuy nhiên, sau vài tháng, tôi có ý định trả hết số tiền đã vay, thì mới tá hỏa ra mình bị lừa, bởi mỗi tháng tôi đã trả vài triệu đồng (tính cả gốc + lãi), nhưng số tiền phải trả khi thanh lý hợp đồng còn cao hơn số tiền vay ban đầu”.

Theo phân tích của anh K., ban đầu khi vay 40 triệu đồng tiền mặt trong 30 tháng, nhà quản lý ứng dụng đã thông báo cho anh K mỗi tháng trả 2,4 triệu đồng (gồm gốc + lãi). Và bất cứ khi nào muốn chấm dứt hợp đồng thì số tiền trả chỉ là số tiền gốc còn lại. Tuy nhiên, sau 5 tháng vay, anh K. muốn thanh lý hợp đồng, thì nhà quản lý ứng dụng lại yêu cầu anh K. phải trả gần 50 triệu đồng (cao hơn số tiền gốc), mà nguyên nhân là do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Lúc này, anh K. mới hiểu mình đã bị ràng buộc bởi một hợp đồng ảo mà không thể chấm dứt. Tính ra, lãi hàng tháng là “lãi cắt cổ” như một số mô hình tín dụng đen đang tồn tại trong xã hội hiện nay.

Nếu không trả lãi đúng hạn, những ứng dụng vay tiền còn thực hiện nhắn tin về số điện thoại của người vay, thậm chí gọi điện cho họ với ngôn từ không mấy dễ nghe. Như trường hợp của chị Đ.H.P, tổ 14, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ là một ví dụ. Chia sẻ với chúng tôi, chị P. cho biết: “Khi cài đặt một số ứng dụng như Momo, Xpay... trên điện thoại, chúng tôi thường bị mời chào vay tiền. Và tôi có vay một số tiền là 7 triệu đồng, trả trong 3 tháng; sau đó tới tháng thứ 2, tôi chậm trả do quên, thì nhận được tin nhắn yêu cầu trả nợ với nội dung: “Nếu không trả sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật, mời đến công an, viện kiểm sát làm việc...”. Rồi sau đó nhà quản lý ứng dụng vay tiền còn lấy thông tin cá nhân của tôi, ảnh gia đình tôi đăng lên mạng xã hội facebook, ghim chữ lừa đảo kèm ảnh khiến tôi và người thân vừa xấu hổ vừa bất bình, tức giận”. Mặc dù đã trả hết số tiền vay, song chị Đ.H.P. vẫn vô cùng bức xúc với cách giục nợ của ứng dụng vay tiền trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, ngoài anh K., chị P., còn có khá nhiều người đang là nạn nhân của các ứng dụng vay tiền online. Trao đổi với chúng tôi về hình thức vay tiền online, một số nhà quản lý của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, như: Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương... đều nhận định rằng, kiểu cho vay tiền online qua điện thoại là một hình thức mới, phát triển trong 2 – 3 năm trở lại đây và nằm ngoài hoạt động chuyên môn, kiểm soát của các ngân hàng. Do chưa có đơn vị kiểm duyệt nền tảng trực tuyến, quản lý hoạt động cho vay tiền online nên có thể một số đơn vị đã lợi dụng “kẽ hở” trên mạng internet để vận dụng cho hình thức vay tiền online, mà thực tế là vay nặng lãi trá hình.

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên, cho rằng: “Điều khiến người dân dễ mắc lừa, sập bẫy hình thức cho vay tiền online là họ đánh vào tâm lý người vay, như: Làm thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, nhanh duyệt hồ sơ và chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản mà không cần gặp gỡ. Tra trên mạng intenet, ta dễ dàng bắt gặp các ứng dụng cho vay tiền online với nhiều ưu đãi như trúng thưởng, hoàn tiền, lãi suất 0%... được nhà quản lý đưa ra. Tuy nhiên, một khi đã xác định vay “nóng” số tiền đó, mỗi người nên suy nghĩ thật kỹ, đừng để trở thành nạn nhân của một nhóm tín dụng đen trá hình, với hình thức tinh vi và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người vay. Nếu có nhu cầu thực sự, người dân nên đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng uy tín để vay tiền, tránh thất thoát tài chính và đảm bảo các quyền lợi khác trong hoạt động tín dụng”.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top