Làm giấy tờ hưởng chế độ chính sách giả, bán cho người có nhu cầu thu lợi hàng trăm triệu đồng

15:19 - Thứ Hai, 17/08/2020 Lượt xem: 6805 In bài viết

Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) vừa ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can gồm: Nguyễn Sỹ Ấn; Nguyễn Bá Dương; Lê Xuân Thu; Hồ Đình Trọng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thông qua công tác nắm tình hình, lực lượng trinh sát của Công an huyện Đô Lương nắm được dư luận có nhiều người đã và chưa từng tham gia quân đội, không thuộc diện được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế nhưng lại được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Xét thấy, những trường hợp này có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến việc sử dụng giấy tờ giả để được hưởng chế độ theo Quyết định 62, Công an huyện Đô Lương đã chủ động phối hợp phòng LĐTBXH, BHXH và BCH Quân sự huyện Đô Lương để tiến hành rà soát, xác minh những nghi vấn. 

Qua rà soát, xác minh, Công an huyện Đô Lương đã phát hiện số lượng lớn người không thuộc diện hưởng chế độ theo Quyết định 62 nhưng đã có trích sao Quyết định về việc thực hiện chế độ trợ cấp 1 lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế và được hưởng các quyền lợi liên quan.

Công an làm việc với đối tượng Lê Xuân Thu.

Sau khi đã có đủ cơ sở xác định có một nhóm đối tượng đứng ra để làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước để bán cho người có nhu cầu nhằm hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 62, các đối tượng đã thu lợi hàng trăm triệu đồng từ việc bán giấy tờ giả này. 

Để kịp thời ngăn chặn hậu quả xấu, Công an huyện Đô Lương đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh làm rõ các đối tượng có liên quan.

Đến ngày 11/8/2020, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Đô Lương đã phá thành công chuyên án, bắt 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Sỹ Ấn (SN 1966, trú tại xã Nhân Sơn, Đô Lương); Nguyễn Bá Dương (SN 1972, trú tại xã Nghi Kiều, Nghi Lộc); Lê Xuân Thu (SN 1952, trú tại xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc); Hồ Đình Trọng (SN 1980, trú tại Phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tang vật thu giữ gồm 26 tài liệu “Trích sao Quyết định về việc thực hiện chế độ trợ cấp 1 lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quyết định 62/2011-QĐ-TTg ngày 9/11/22011 của Chính phủ” giả; 4 điện thoại di động của các đối tượng; 2 giấy “chứng nhận thanh niên xung phong”giả; 1 máy scan màu; 1 máy tính; 1 USB lưu giữ phần mềm tài liệu làm giả; 104.000.000đ (Một trăm linh tư triệu đồng) và một số chứng cứ có liên quan đến vụ án.

4 đối tượng bị khởi tố, tạm giam về hành vi làm giả giấy tờ tài liệu

Bước đầu, tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận: Thông qua các mối quan hệ bạn bè đi bộ đội, Lê Xuân Thu (SN 1952, trú tại xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc) biết những người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sẽ được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần theo Quyết định 62, được làm bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời và được nhận tiền mai táng phí sau khi chết. 

Do đó, Lê Xuân Thu nảy sinh ý định làm giả các “Trích sao Quyết định về việc thực hiện chế độ trợ cấp 1 lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế" để bán cho những trường hợp không nằm trong diện theo Quyết định 62, nhằm thu lợi bất chính.

Cụ thể, vào năm 2016, đối tượng Lê Xuân Thu đã mượn bản "Trích sao bản chính Quyết định về việc thực hiện chế độ trợ cấp 1 lần đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế" thật, của một người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau đó, Lê Xuân Thu đã lôi kéo Hồ Đình Trọng, Nguyễn Bá Dương và Nguyễn Sỹ Ấn để cùng làm giả giấy tờ, tài liệu và bán kiếm lời. 

Với mỗi tờ “Quyết định giả", các đối tượng đã bán cho người có nhu cầu với giá từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng. 

Theo đó, các “Quyết định” sẽ được các đối tượng làm giả đoạn đầu, phần cuối là chữ ký của cơ quan có thẩm quyền được các đối tượng mượn từ một “Quyết định” thật, rồi ghép thành quyết định giống như thật.

Quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã làm rõ: từ đầu năm 2018 cho đến khi bị bắt các đối tượng đã liên hệ, móc nối, đặt vấn đề, làm giả cho khoảng hơn 100 trường hợp trên địa bàn các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Cửa Lò... thu lợi từ việc làm giả là khoảng trên 300 triệu đồng. Công an huyện Đô Lương đã thu giữ 14 thẻ bảo hiểm y tế của các đối tượng có liên quan.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đang tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top