Chủ động ngăn chặn “tín dụng đen”

08:22 - Thứ Năm, 20/08/2020 Lượt xem: 7293 In bài viết

ĐBP- Trước động thái vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” (TDĐ) trên địa bàn tỉnh ta trong khoảng 2 năm trở lại đây đã giảm. Song hoạt động phi pháp này vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Chà tuyên truyền tới người dân xã Nậm Nèn về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen”.

Thượng tá Dương Quốc Hoàn, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động đơn lẻ dưới các hình thức như: Mở các cửa hiệu cầm đồ, kinh doanh dịch vụ tài chính không thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như “dịch vụ tài chính”, “tư vấn tài chính”, “hỗ trợ tài chính” hoặc không mở cửa hiệu nhằm tránh sự quản lý, kiểm tra của cơ quan công an. Trước thực tế đó, để ngăn chặn nạn TDĐ, lực lượng công an các cấp đã tăng cường công tác lập danh sách các đầu mối, nắm chắc hoạt động của đối tượng và các cơ sở có dấu hiệu hoạt động phức tạp; làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến TDĐ. Đánh thẳng, đánh mạnh các ổ nhóm, khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm TDĐ, cho vay nặng lãi. Nhờ đó, nhiều băng nhóm, đối tượng đã được bóc gỡ, triệt xóa.

Trong khoảng thời gian từ ngày 15/11/2018 - 10/8/2020, đã có 4 vụ án được lực lượng Công an tỉnh tiến hành điều tra, xử lý với 8 đối tượng liên quan đến hoạt động dạng TDĐ trên địa bàn tỉnh như: Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; cưỡng đoạt tài sản… Điển hình là ngày 20/4/2019, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Công an TP. Điện Biên Phủ, Công an huyện Điện Biên phá Chuyên án 119H, bắt giữ 4 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trước đó, ngày 4/2/2019, Công an TP. Điện Biên Phủ đã phá Chuyên án 056T, bắt giữ 2 đối tượng, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với 2 bị can là Phùng Ngọc T. (SN 1986) là nhân viên của cơ sở cầm đồ T.H tại phường Mường Thanh và Mai Trung K. (SN 1989) về tội Cưỡng đoạt tài sản có liên quan đến hoạt động TDĐ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 174 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính đang hoạt động. Trong khi đó, việc lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính để hoạt động biến tướng cho vay nặng lãi, hoạt động TDĐ là một trong những hình thức được nhiều đối tượng sử dụng nhằm trốn tránh quy định của pháp luật. Hoạt động TDĐ được biến tướng bằng các giao dịch cho vay thỏa thuận ngầm, việc vay nợ được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền để xin việc làm vào cơ quan Nhà nước, thế chấp tài sản có giá trị cao (nhà đất, ô tô…) với giá thấp có công chứng hoặc buộc người vay tiền phải làm thủ tục bán tài sản cho đối tượng, sau đó thuê lại tài sản...  Bởi vậy, một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy lùi nạn TDĐ đang tích cực được triển khai đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Năm 2018, lực lượng công an các cấp đã kiểm tra 156 cơ sở hoạt động cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Kết quả, phát hiện 17 cơ sở vi phạm; lập biên bản, ra quyết định xử phạt số tiền hơn 31 triệu đồng. Trong đó 2 cơ sở nhận cầm cố tài sản không có hợp đồng theo quy định; phạt tiền và tước giấy chứng nhận đủ điều kiện và đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng đối với 3 cơ sở về hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay; kiến nghị, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở cầm đồ; phát hiện 1 cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính…

Vay tiền của các đối tượng hoạt động TDĐ chủ yếu là những thanh thiếu niên ham chơi, lười lao động, cần tiền sử dụng vào các thú vui giải trí hoặc mắc tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, ma túy… Bên cạnh đó một số người dân vay tiền để đảo vốn ngân hàng, vay tiền để trả nợ, đầu tư kinh doanh hoặc do hoàn cảnh khó khăn cần tiền để giải quyết công việc nhưng không có tài sản thế chấp. Trước thực tế này, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm chặn đứng TDĐ từ gốc. Như ở huyện Điện Biên Đông, địa bàn từng có thời gian TDĐ là vấn đề “nóng” khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”, nợ chồng nợ. Để đẩy lùi nạn TDĐ, UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tập trung tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm TDĐ… Tương tự, tại huyện Nậm Pồ, một trong những giải pháp quan trọng được UBND và Công an huyện chú trọng là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân về các hệ lụy của TDĐ và phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng TDĐ để hoạt động; xây dựng phóng sự về phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại của tội phạm TDĐ phát trên đài truyền thanh, truyền hình huyện và hệ thống loa truyền thanh tại 15/15 xã trên địa bàn huyện.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top