Mường Ảng phát huy vai trò tổ hòa giải ở cơ sở

10:05 - Chủ Nhật, 13/09/2020 Lượt xem: 6636 In bài viết

ĐBP - Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải sẽ góp phần tăng cường xây dựng khối đoàn kết toàn dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Mường Ảng luôn phát huy vai trò các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Công an xã Ẳng Tở phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Thuộc địa bàn thị trấn Mường Ảng nhưng trước đây do nhận thức của người dân bản Hón chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn, việc hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật có lúc còn hạn chế nên tình trạng người dân cãi vã, xích mích nhau thường xảy ra. Những lúc như vậy, tổ hòa giải của bản đã kịp thời phát huy vai trò, nhiệm vụ, giúp cuộc sống của bà con nơi đây cơ bản được yên bình. Ông Lò Văn Hóa, Trưởng bản kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải bản Hón chia sẻ: Hàng năm, tổ hòa giải chúng tôi thường phối hợp với chính quyền địa phương tham gia 4 - 5 vụ việc, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai… Cơ bản các vụ việc có sự tham gia của tổ hòa giải đều được giải quyết thành công. “Cách đây không lâu, trên địa bàn bản xảy ra vụ cãi vã, tranh chấp tài sản giữa thành viên trong gia đình ông Cầm Nhân P. và con là Cầm Nhân L. Theo đó, trong quá trình giải tỏa một số khu vực để xây dựng các công trình trên địa bàn, Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho gia đình ông P., tuy nhiên sau khi nhận tiền về, người con lại mang đi gửi ngân hàng và tự đứng tên cá nhân. Biết được sự việc đó, hai bố con đã cãi cọ, xích mích, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn khu dân cư. Trước tình hình đó, tổ hòa giải chúng tôi cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã đến phân tích, hòa giải giữa hai bố con. “Mưa dầm thấm lâu”, người con cũng đã hiểu vấn đề và mang tiền về đưa lại cho bố” - ông Hóa chia sẻ.

Theo ông Lò Văn Hóa, để việc hòa giải đạt kết quả cao, thì các thành viên trong tổ phải là những người có uy tín, có tầm hiểu biết về pháp luật, đồng thời phải năng động, nhiệt tình, trách nhiệm. Khi xảy ra những vụ việc gì (trong phạm vi thẩm quyền), tổ hòa giải phải kịp thời có mặt, tìm hiểu nguyên nhân sự việc, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất. Sau đó, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn để các bên hiểu và tự thỏa thuận giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của tổ hòa giải. Với sự lắng nghe, chia sẻ và cách làm thấu tình, đạt lý như vậy, nên vài năm trở lại đây, các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở bản Hón đều được giải quyết kịp thời, tình làng, nghĩa xóm được củng cố, gắn kết.

Cũng như bản Hón, thị trấn Mường Ảng và các xã khác trên địa bàn huyện, thời gian qua, công tác hòa giải đã được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Nhiều vụ việc đã được hòa giải thành công với phương châm “thấu tình, đạt lý”. Từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã hòa giải thành công gần 150 vụ việc; riêng từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải tiếp nhận 87 vụ (đã hòa giải thành công 68 vụ, đạt gần 80%).

Bà Quàng Thị Thắm, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mường Ảng cho biết: Có được kết quả đó, Phòng đã tích cực tham mưu UBND huyện thường xuyên chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực phối hợp với mặt trận Tổ quốc cùng cấp củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của 118 tổ hòa giải ở cơ sở; duy trì hoạt động gần 600 hòa giải viên. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tập huấn cho các hòa giải viên với các nội dung, như: Luật Hòa giải ở cơ sở; các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Ðồng thời, cử cán bộ, công chức thường xuyên kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top