Bài 2: Nhận diện mô hình đầu tư lừa đảo gắn mác công nghệ siêu lợi nhuận

15:32 - Thứ Hai, 21/09/2020 Lượt xem: 8283 In bài viết

Nhận diện các hình thức lừa đảo đầu tư tài chính không hề khó, trong đó 2 yếu tố rõ ràng nhất là lợi nhuận cực “khủng” và trả lãi việc phát triển mạng lưới theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy vì lòng tham và thực tiễn còn 1 lỗ hổng pháp lý quá lớn.

Cảnh báo lỗ hổng pháp lý, nâng cao năng lực giám sát, xử lý

Nhận diện các hình thức lừa đảo

Đầu tư Forex, đa cấp không hề mới, nhưng việc nhà đầu tư vẫn liên tục sập bẫy cho thấy sức hút của mô hình này là rất lớn, bất chấp cảnh báo. Rất nhiều công ty đầu tư Forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…, song vẫn có nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui. 

Theo các chuyên gia, hiện các giao dịch này chủ yếu diễn ra qua mạng nên việc xử lý là rất khó, các cơ quan chức năng cần phải sửa đổi hành lang pháp lý, ban hành các quy định, chế tài đủ mạnh. Ngoài ra, tự phía mình, các nhà đầu tư cũng phải tỉnh táo nhận diện các mô hình lừa đảo để không “sập bẫy”.

Ông Phan Dũng Khánh (Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eng) thống kê trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều mô hình lừa đảo. 

Thứ nhất, kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm không phải một năm mà một tháng, thậm chí là trong… một tuần. 

Thứ hai, các mô hình ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư "bách phát bách đúng", bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều, dĩ nhiên sàn tuyên bố… phá sản, và đối tượng ôm tiền bỏ chạy. 

Thứ ba, một số hình thức lừa đảo bằng cách hứa hẹn trả lãi cao, nhưng không phải bằng tiền mặt. Họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù nhà đầu tư phải tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên giấy. 

Các ứng dụng hoàn tiền mua sắm hoạt động đa cấp trái phép.

Thứ tư, cũng có trường hợp, chủ sàn trả tiền lời bằng tiền thật theo như cam kết. Tuy nhiên, số tiền được trả lại luôn luôn dưới mức tổng tiền nộp vào trước khi sàn… biến mất. Ví dụ, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng, sau đó chủ sàn sẽ trả lãi đều đặn 6-7 tháng trước khi biến mất. Trong thời gian này, nhà đầu tư sau khi nhận tiền tươi sẽ có niềm tin để quảng cáo, chiêu dụ thêm bạn bè, người thân vào hệ thống của họ một cách vô thức. 

Thứ năm, một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư bằng cách giúp nhà đầu tư có lợi nhuận - có thể là tiền thật, tiền ảo hoặc cổ phiếu - song nhà đầu tư muốn rút tiền thì phải đóng thêm tiền, đóng phí chuyển đổi; muốn rút tiền lời ra thì phải đóng hàng loạt phí, như: Phí thuê ví của sàn, phí chuyển đổi tiền, phí rút tiền, phí giao dịch… Nghĩa là tiền của mình bị chiếm đoạt, thậm chí còn phải đóng phí… cho người chiếm đoạt nữa. 

Thứ sáu, một số sàn lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống. Theo đó, khi nhà đầu tư tham gia thì lệnh của họ sẽ bị sửa trên hệ thống, nhà đầu tư cứ tưởng đánh theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua. Hoặc có sàn không sửa lệnh, song đợi đến khi số người nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất. Thậm chí, có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị công an bắt để nạn nhân sợ không đi kiện, vì bản thân các nhà đầu tư cũng biết là đầu tư vào các sàn này không được pháp luật cho phép. 

“Dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản), việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó. Các mô hình này đều có những đặc điểm khá giống nhau: Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không. Ngoài ra, các đối tượng cũng bao lỗ, bao cháy tài khoản - dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì cháy tài khoản”, ông Khánh khẳng định.

Tiết chế lòng tham và bịt lỗ hổng pháp lý

Không chỉ đầu tư tài chính, thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video quảng cáo về ứng dụng (app) thanh toán hộ có tên Myaladdinz. 

 là một ứng dụng được giới thiệu là có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… và có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn, người dùng thanh toán càng nhiều thông qua ứng dụng sẽ được hoàn trả càng nhiều. 

Ngoài ra, người dùng không cần mua bán gì, chỉ cần dùng tiền thật để mua “gem” (tức là nạp tiền vào tài khoản) rồi sau đó dùng “gem” đổi ra “điểm” (hay còn gọi là Poinst) để nhận lãi từ 0,2 - 0,1% điểm mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp… 

Công an tỉnh Bình Phước và Công an Hà Tĩnh đã phát đi cảnh báo khẳng định về bản chất ứng dụng Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và “khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. 

Mặt khác, ứng dụng này chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, do đó, việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, đây là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định ANTT tại địa phương. 

Công an tỉnh đề nghị, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị và nhân dân nêu cao cảnh giác, không tham gia nạp tiền vào ứng dụng nêu trên.

Cảnh báo về vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CCT&BVNTD) - Bộ Công Thương khẳng định, các ứng dụng hoàn tiền mua sắm hoạt động đa cấp trái phép. Ngoài ra, Cục cũng chỉ rõ tên gọi của một số loại “tiền ảo” hay ví điện tử nội bộ của các ứng dụng có nguy cơ lừa đảo, như Gem, CBP, Silling, ONE, VNDC. 

Trên thực tế, đây là những loại tiền ảo, ví điện tử Việt Nam không công nhận là trung gian thanh toán. Pháp luật không bảo vệ các giao dịch liên quan tới chúng. Ngoài ra, việc hưởng hoa hồng theo cấp, tầng, nhánh cũng rất đáng ngờ. Đây có thể là hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn. 

Cục CT&BVNTD đánh giá, những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như vậy hoặc tương tự như trên đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép”.

Từ phía chuyên gia, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, nếu được chào mời với mức lợi nhuận gấp 3 ngân hàng là phải cảnh giác. Ngoài việc mỗi người phải nâng cao nhận thức của bản thân, kiểm soát lòng tham, cảm xúc trước những mời chào hấp dẫn của những tay lừa đảo, thì hiện nay, pháp luật dù đã quy định khá nhiều về xử phạt các loại hình này, nhưng cần phải được cập nhật để thích ứng với sự biến thể với nhiều phiên bản lừa đảo ngày càng mới, nhằm ngăn chặn loại tội phạm trên. 

Các cơ quan chức năng phải nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các hình thức lừa đảo ngày càng lắt léo, phức tạp dạng này, đồng thời mạnh tay xử lý, có chế tài mạnh mẽ góp phần răn đe và dập tắt những manh nha lợi dụng tình thế khó khăn, cũng như lòng tham của người khác để trục lợi. Hiện số lượng vụ việc xử lý được là khá nhỏ, nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để lại đẻ ra dự án khác, tiếp tục đi lừa.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định: “Không có mô hình kinh doanh đầu tư đúng nghĩa nào có thể sinh lãi 3-4%/ngày, tức cả ngàn phần trăm/năm. Các mô hình quảng cáo siêu lợi nhuận luôn có yếu tố lừa đảo, nhà đầu tư phải cẩn thận đề phòng”. 

Theo ông Hiếu, để ngăn chặn các hình thức lừa đảo tiền ảo đa cấp đội lốt 4.0 đang nở rộ, các bộ, ngành cần phải đưa ra khung khổ pháp lý phù hợp. Tuy vậy, ngay cả khi hành lang pháp luật được siết chặt, nếu không kiểm soát được lòng tham, nhà đầu tư vẫn có thể dễ dàng sập bẫy. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tư cho lợi nhuận 2% - 4%/ngày là không thể. Thực tế, nếu lợi nhuận cao như vậy thì các công ty dễ dàng kêu gọi nhà đầu tư lớn hoặc tự mình đầu tư lớn để tự kiếm tiền, không bao giờ phải đi mời gọi các nhà đầu tư nhỏ lẻ qua mạng. Nếu đầu tư vào các hình thức như thế này chỉ vì tin lợi nhuận cao thì nhà đầu tư quá liều lĩnh.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) mới đây đã có cảnh báo về hệ thống Winsbank. Theo Bộ Công an, Winsbank hoạt động đầu tư casino, cá độ, xổ số; cho vay thế chấp tài sản số; tiền ảo (Win) và phát hành cổ phiếu số Eshare (ESR)… 

Hệ thống Winsbank là do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. 

Bản chất Winbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. 

Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được. 

Bộ Công an tiếp tục cảnh báo, hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo và tiền mã hóa nào, nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top