Đưa trợ giúp pháp lý đến gần người dân

08:47 - Thứ Sáu, 25/09/2020 Lượt xem: 8679 In bài viết

ĐBP - Với phương châm “Hướng về cơ sở” và xác định đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý (TGPL) là nhóm yếu thế trong xã hội, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã tập trung vào các lĩnh vực tư vấn, tuyên truyền, tham gia tố tụng và giải quyết những vướng mắc pháp luật của người dân. Việc giúp đỡ, TGPL cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, tin cậy, làm tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân huyện Mường Nhé.

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số; vì vậy, đối tượng được TGPL trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 90% dân số. Đặc biệt Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng đối tượng được thụ hưởng các dịch vụ TGPL miễn phí từ 6 đối tượng lên 14 đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận gần hơn với dịch vụ hỗ trợ về pháp lý.

Vì còn những vướng mắc chưa hiểu về chính sách đối với người có công, ông Phạm Mạnh Toàn, thôn Đại Thanh, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) đã liên hệ đến đường dây nóng (02153.838.382) để được giải đáp pháp luật về chính sách người có công, về chế độ chính sách cho người nghèo, thủ tục thừa kế tặng quyền sử dụng đất cho con... Sau khi được hỗ trợ tư vấn, ông Toàn chia sẻ: Liên hệ đến đường dây hỗ trợ, tôi được trợ giúp viên pháp lý giải đáp cụ thể từng trường hợp; qua đó đã giải tỏa những vướng mắc pháp luật đối với người có công. Được giúp đỡ về pháp lý như vậy, nhiều việc tôi đã hiểu hơn, tin tưởng và chấp hành đúng các quy định pháp luật của Nhà nước.

Việc hướng hoạt động tuyên truyền pháp luật và TGPL đến thôn, bản vùng sâu, những nơi xa trung tâm cũng được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân. Chị Hạng Thị Dợ, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) chia sẻ: “Do trình độ văn hóa thấp cũng như nhận thức pháp luật còn hạn chế nên khi được cán bộ tuyên truyền, phổ biến và giải đáp các vướng mắc pháp luật liên quan về đăng ký kết hôn, thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, tôi đã hiểu nhiều rồi!”.

Để người dân hiểu và nâng cao nhận thức về pháp luật, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức, như: truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, tuyên truyền trực tiếp các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, đất đai, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách trợ giúp pháp lý... cho nhân dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Ðỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Để chính sách TGPL nhanh chóng đi vào cuộc sống, năm 2017 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên, để huy động toàn hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật TGPL. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác TGPL. Trung tâm cũng tập trung làm công tác truyền thông ở cơ sở, cung cấp địa chỉ, danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý; mở đường dây nóng (SĐT: 02153.838.382) để người dân tiếp cận với hoạt động tư vấn pháp luật mà không tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại; biên soạn, biên dịch, thu âm nội dung về chính sách TGPL bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Thái, Mông) để phát thanh tại nhà tạm giữ, trại tạm giam và đài truyền thanh cấp xã. Từ năm 2016, thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL của Chính phủ, hoạt động TGPL chỉ chú trọng vào vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên vẫn duy trì hoạt động truyền thông và TGPL lưu động xuống cơ sở và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng sâu, vùng xa. Năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 138 đợt truyền thông lưu động về TGPL tại 276 xã, thu hút 5.520 lượt người tham dự; hướng dẫn, giải đáp gần 300 vướng mắc pháp luật trong nhân dân.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp tốt với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, phát huy có hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh (Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Tài chính), đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng thuộc diện được trợ giúp.

Nhờ triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng về chất lượng, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã đưa pháp luật đến tận cơ sở, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, giúp các đối tượng được TGPL và người dân tiếp cận tốt hơn các quy định của pháp luật.

Quang Hưng
Bình luận
Back To Top