Bất cập trong cai nghiện ma túy tập trung

09:23 - Thứ Tư, 04/11/2020 Lượt xem: 6831 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là 1 trong 13 tỉnh, thành phố của cả nước được xem là tệ nạn ma túy phức tạp. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp nhằm quản lý, phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh của người nghiện ma túy. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song nhận định của cơ quan chức năng, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc tổ chức đưa người nghiện ma túy đi cai, đặc biệt là cai nghiện tập trung lại gặp nhiều khó khăn, bất cập…

Lãnh đạo Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh định hướng, tư vấn cho người cai nghiện ma túy tại đơn vị. Ảnh: Quang Long

Thủ tục, hồ sơ rườm rà

Theo đánh giá về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh của cơ quan chức năng, những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tuy được lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nhưng có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn. Từ việc sử dụng trái phép chất ma túy, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật (trộm cắp tài sản, chém giết người thân trong gia đình…) gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân; ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Qua thống kê, rà soát của cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 15/5/2020, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 8.916 người. Với số đối tượng nghiện ma túy cao như vậy, song số lượng người được đưa đi cai nghiện hàng năm rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện theo hình thức bắt buộc lại rất rườm rà. Ðiều này khiến cho hàng năm, số người cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện của tỉnh không đạt tối đa công suất.

Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương đứng “top” của tỉnh về tình hình người nghiện ma túy trong tỉnh. Theo hồ sơ quản lý, số người nghiện trên địa bàn huyện hiện có trên 2.000 người. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, toàn huyện mới chỉ có 39 người được đưa đi cai nghiện tập trung. Trung tá Hoàng Ngọc Sơn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát Ðiều tra tội phạm về Kinh tế và Ma túy (Công an huyện Ðiện Biên), cho biết: Mặc dù huyện có số người nghiện ma túy cao nhưng hàng năm tổng số được đưa đi cai nghiện tập trung lại không nhiều. Nguyên nhân là do thủ tục để đưa người đi cai nghiện tập trung rất phức tạp. Từ lúc cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện đến ngày tòa án mở phiên tòa ra quyết định kéo dài gần 2 tháng và phải qua rất nhiều thủ tục; chưa kể ở mỗi khâu xét duyệt nếu hồ sơ chưa đúng quy định hoặc có sai sót gì thì phải làm lại. Vì vậy, việc quản lý người nghiện trong thời gian chờ tòa án ra quyết định gặp nhiều khó khăn, thậm chí có đối tượng sau khi cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục lại bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Cũng như huyện Ðiện Biên, do vướng nhiều thủ tục rườm rà, nên việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc ở huyện Mường Ảng gặp nhiều khó khăn. Ðiều này khiến cho các đối tượng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong xã hội. Ðiển hình như vụ việc mà đối tượng Phạm Trường Sơn, sinh năm 1978, trú tại thị trấn Mường Ảng gây ra hồi trung tuần tháng 4 vừa qua. Do mâu thuẫn gia đình, đối tượng đã dùng dao chém 2 người trong gia đình bị thương. Sau khi bị Công an bắt giữ, qua kiểm tra, đối tượng Phạm Trường Sơn có kết quả dương tính với ma túy.

Bà Bùi Thị Quyên, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Hiện nay, huyện có hơn 1.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chỉ có 21 người được đưa cai nghiện tập trung. Nguyên do là, theo quy định, muốn người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thì trước đó, người nghiện phải bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NÐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NÐ-CP của Chính phủ Quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Sau khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong một thời gian nhất định mà không có hiệu quả thì mới bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chưa kể, để đưa được người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, phải có sự tham gia của các cơ quan: Công an, phòng lao động - thương binh và xã hội; viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân. Với các thủ tục rườm rà như vậy, thì để đưa 1 người đi cai nghiện bắt buộc là rất lâu và khó khăn. Ðiều này gây tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại khu dân cư nơi người nghiện ma túy sinh sống.

Lãng phí cơ sở vật chất

Thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ để đưa người đi cai nghiện bắt buộc rườm rà, phức tạp không chỉ gây khó khăn trong việc hạn chế số người được đưa đi cai nghiện tập trung hàng năm mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất nơi cai nghiện. Hiện nay, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) có quy mô 500 giường bệnh với hệ thống máy móc, cơ sở vật chất được đầu tư nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, chưa năm nào Trung tâm sử dụng hết công suất giường bệnh. Cụ thể như, năm 2016, Trung tâm chỉ điều trị cho 220 bệnh nhân; năm 2017 có 293; năm 2018 có 398; năm 2019 điều trị 398 và từ đầu năm đến nay trung tâm đang điều trị cho 328 bệnh nhân.

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chia sẻ: Cai nghiện tập trung tại các trung tâm là cần thiết. Trung tâm đã được đầu tư nhiều tiền của, bố trí nhân lực, nếu các giường bệnh không được sử dụng hiệu quả, hết công suất trong khi bệnh nhân ngoài xã hội nhiều là một sự lãng phí về cơ sở vật chất, con người. Tại trung tâm, học viên được tiếp thu chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, giáo dục nhận biết tác hại của ma túy để có ý chí rèn luyện, thay đổi hành vi, phục hồi nhân cách, từ bỏ ma túy. Trong quá trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, Trung tâm còn tổ chức mô hình dạy nghề, lao động sản xuất quy mô hộ gia đình, như: Trồng rau, nuôi cá, nuôi vịt… Ðây là hoạt động thiết thực giúp học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; biết cách làm ăn, tránh xa các tệ nạn xã hội. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

Có thể nói, để cai nghiện ma túy thành công là hành trình dài; trong khi, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh ta diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ðể việc cai nghiện ma túy hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan, đơn vị liên quan. Làm sao để thủ tục hành chính, các khâu, các bước đảm bảo đúng, đủ, nhưng phải kịp thời để không chỉ sớm giúp người nghiện từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời, mà đồng thời còn phải thực hiện tốt mục tiêu an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày một tốt hơn.

Quang Long
Bình luận
Back To Top