Thi hành án dân sự vẫn khó

09:24 - Thứ Tư, 04/11/2020 Lượt xem: 6803 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian qua công tác thi hành án dân sự vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết kịp thời. Nhiều bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm; tình trạng án dân sự tồn đọng kéo dài; nhiều trường hợp khó khăn không có tiền, tài sản để thi hành án; nhiều đối tượng phải thi hành án không rõ địa chỉ, bỏ đi khỏi địa phương…

Cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ðiện Biên giải quyết vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án.

Năm 2020 (tính từ tháng 9/2019 - 9/2020), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ðiện Biên đã thụ lý 828 vụ việc. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân dẫn đến số vụ việc phải chuyển tiếp sang kỳ sau vẫn còn nhiều, số việc chưa có điều kiện thi hành vẫn cao. Năm 2020 có 135/828 vụ từ năm 2019 chuyển sang và năm nay tiếp tục có tổng số vụ việc phải chuyển sang kỳ sau (năm 2021) là 134 việc. Số việc hàng năm phải chuyển tiếp nhiều dẫn đến số tiền, tài sản khó thu hồi. Năm 2020, tổng số tiền giải quyết hơn 11,244 tỷ đồng thì có hơn 6,183 tỷ đồng từ năm trước chuyển sang. Trong đó có điều kiện thi hành chỉ hơn 4,26 tỷ đồng, còn lại chưa có điều kiện thi hành. Tính đến hết năm, tổng số tiền đã thi hành xong hơn 2,81 tỷ đồng (đạt hơn 72%) và số tiền chuyển sang năm 2021 là hơn 7,441 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ðiện Biên, do là địa bàn miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn nên việc xác minh điều kiện thi hành án mất rất nhiều thời gian, công sức. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật chưa đồng đều nên công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện luôn gặp khó, nhiều vụ việc chưa có điều kiện thi hành, phải chuyển tiếp sang kỳ sau. Do đó, nhiều vụ việc đến nay rơi vào tình trạng kéo dài, khó giải quyết; số tiền, tài sản cũng khó thu hồi. Ðặc biệt, có nhiều vụ việc kéo dài từ 5 - 10 năm liên tục nhưng đến nay chưa giải quyết, thu hồi tài sản. Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường rà soát, xác minh, phân loại án, tích cực đôn đốc, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành; đồng thời, tập trung giải quyết những vụ việc có giá trị lớn, những vụ việc theo đơn yêu cầu, án tồn đọng từ năm trước chuyển sang. Trường hợp người phải thi hành án dân sự cố tình không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Tương tự huyện Ðiện Biên, công tác thi hành án tại một số huyện khác cũng gặp nhiều khó khăn, số án tồn đọng và phải chuyển tiếp sang kỳ sau cao. Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thi hành án dân sự toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.995 vụ việc (trong đó, có 1.436 việc có điều kiện thi hành; số vụ còn lại chưa đủ điều kiện thi hành), trong đó có đến 777 vụ việc tồn đọng từ năm 2019 chuyển sang. Kết quả mới giải quyết được 1.098/1.436 vụ việc có đủ điều kiện thi hành, còn lại phải chuyển sang kỳ sau. Về số tiền, tổng số thụ lý hơn 162,757 tỷ đồng; do đã ủy thác nên số tiền phải thi hành hơn 158 tỷ đồng (trong đó số có điều kiện hơn 103,5 tỷ đồng); đã giải quyết được hơn 40 tỷ đồng (đạt 38,68%); trong khi đó số tiền phải chuyển sang kỳ sau rất lớn: Hơn 118 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả công tác thi hành án còn hạn chế, nhất là các vụ việc tồn đọng, chuyển tiếp như: Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án dân sự chưa tốt, nhiều trường hợp chây ỳ, chống đối quyết liệt, cản trở việc tổ chức thi hành án; người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp hoặc không xác định được nơi cư trú của đương sự; có trường hợp người phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản. Các vụ việc thi hành án về ma túy có số tiền phải thi hành rất lớn nhưng không thi hành được do các đối tượng phải thi hành đa số chấp hành án phạt tù lâu năm không có tài sản, gia đình kinh tế khó khăn, thuộc hộ nghèo, hàng năm Nhà nước phải cứu trợ. Cùng với đó, nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị máy móc... rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.

Việc thi hành án dân sự chưa đạt được hiệu quả như mong muốn không chỉ làm giảm hiệu lực các bản án, quyết định của tòa án mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân liên quan. Thậm chí, vụ việc kéo dài, khó đòi có nguy cơ dẫn đến một số người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm đến đội ngũ “đòi nợ thuê” để nhờ đòi nợ, gây mất an ninh trật tự.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top