Những cán bộ hòa giải đeo quân hàm đỏ

19:58 - Thứ Ba, 10/11/2020 Lượt xem: 7057 In bài viết

ĐBP - Sau gần 1 năm thực hiện Ðề án bố trí công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã (CAX) trên địa bàn tỉnh đã cho thấy sự đúng đắn, phù hợp khi lực lượng CAX phát huy được vai trò trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn, lực lượng CAX còn là những cán bộ hòa giải “bất đắc dĩ”, cùng chính quyền cơ sở giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân. Nhưng qua những lần tham gia hòa giải đó, cán bộ, chiến sĩ CAX đã gây dựng thêm niềm tin, tình cảm của bà con với những cán bộ hòa giải đeo quân hàm đỏ.

Công an xã Mường Toong, huyện Mường Nhé đứng ra hoà giải tranh chấp cho 2 hộ dân trong xã.

Lần đầu đến trụ sở CAX Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ), chúng tôi thấy cán bộ CAX đang bận rộn tổ chức buổi họp hòa giải việc tranh chấp, mâu thuẫn gia đình cho một hộ dân trong xã. Đại úy Trần Thị Thương, Phó trưởng CAX Nà Tấu chia sẻ: “Từ ngày về đảm nhận công việc tại CAX Nà Tấu, những cán bộ chính quy chúng tôi thường xuyên cùng chính quyền xã giải quyết hòa giải các vụ việc tranh chấp của bà con sở tại, như: Tranh chấp đất ở, đất nương, ao, vườn; tranh chấp tài sản; mâu thuẫn cá nhân... Vốn dĩ những công việc này là trách nhiệm của chính quyền xã và các tổ hòa giải dân cư, nhưng vì nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn có tính chất phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự khu vực nên chúng tôi thường tham gia phối hợp. Rồi không biết từ khi nào, sau khi giải quyết tốt nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thì chúng tôi được bà con tin tưởng hơn. Bởi vậy, mỗi khi có việc tranh chấp, mẫu thuẫn lớn, nhỏ, bà con đều gọi điện hoặc đến trụ sở CAX nhờ giải quyết, phân tích, xử lý, hòa giải giúp”.

Vụ việc Đại úy Thương cùng các cán bộ tổ chức hòa giải hôm đó tại trụ sở CAX là trường hợp mâu thuẫn trong một gia đình tại bản Hua Rốm; vợ chồng vừa mới ly hôn nhưng việc phân chia tài sản và tách khẩu chưa có sự thống nhất. Tại buổi hòa giải, ban đầu những thành viên trong gia đình tranh nhau giải thích, phân bua quan điểm cá nhân rồi tranh cãi gay gắt. Song, bằng nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm của mình, Đại úy Thương đã nhẹ nhàng, dứt khoát phân giải có lý, có tình, sắp xếp ổn thỏa mâu thuẫn. Các thành viên trong gia đình đều đồng ý, tự nguyện ký vào bản cam kết hòa giải do CAX thiết lập, rồi yên tâm ra về. Chứng kiến vụ hòa giải, anh Mùa A Kềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu chia sẻ với chúng tôi: “Đây là 1 trong 3 vụ hòa giải liên quan đến tranh chấp tài sản, mâu thuẫn cá nhân tại bản Hua Rốm mà CAX đã giải quyết thành công trong thời gian gần đây. Hàng chục vụ tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống tại xã chúng tôi cũng được cán bộ CAX giải quyết, xử lý hòa giải ổn thỏa, không phải phiền tới cấp có thẩm quyền cao hơn vào cuộc. Chính vì thế, mỗi khi xảy ra sự việc tranh chấp có tính chất phức tạp, chúng tôi đều mời các đồng chí CAX tới xử lý hòa giải. Bản thân người dân cũng tin tưởng vào đội ngũ cán bộ CAX nên nghe theo những lời phân tích hợp tình, hợp lý mà hòa giải, thống nhất với nhau”.

Đến xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, chúng tôi được biết, đội ngũ cán bộ công an chính quy của xã cũng đang là những “quan tòa bản”, giúp người dân giải quyết nhiều mâu thuẫn liên quan đến công tác tư pháp, địa chính. Dẫn chúng tôi vào bản Nà Bủng 1 để chứng kiến một vụ tranh chấp đất nương của bà con đang được CAX tổ chức hòa giải, ông Mùa Chiếu Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Nà Bủng nhận định: “Một số vụ tranh chấp của bà con trên địa bàn như tranh chấp đất ở, đất nương, ao, vườn, tài sản... vốn là thẩm quyền của cán bộ địa chính, tư pháp xã. Song do cán bộ phụ trách lĩnh vực này đều kiêm nhiệm nhiều việc tại xã, không có thời gian cũng như điều kiện để giải quyết dứt điểm cho bà con. Chính vì thế, chúng tôi thường phải nhờ tới CAX đứng ra sắp xếp, hòa giải. CAX chính quy có trình độ, chuyên môn tốt nên mỗi vụ việc xử lý hòa giải có mặt các đồng chí CAX là chúng tôi yên tâm. Cách họ trao đổi dứt khoát vấn đề và xử lý thấu đáo vụ việc cũng khiến người dân tin tưởng, nhất trí”.

Chứng kiến vụ việc tranh chấp đất nương liền kề của 2 hộ dân người dân tộc Mông tại bản Nà Bủng 1 đang được tổ chức giải quyết ngay tại vị trí tranh chấp, chúng tôi thấy Đại úy Mùa A Chìa, Phó trưởng CAX Nà Bủng đứng ra làm “quan tòa bản” để xử lý. Sau khi đo đạc cụ thể diện tích nương, đồng thời lắng nghe phân trần của hai bên, Đại úy Chìa chính tiếng dân tộc Mông để lý giải cho bà con. Hai hộ dân đều hiểu ra vấn đề và đi đến thống nhất phân chia lại đất nương cùng nhau canh tác, gieo trồng, không tranh chấp và phá hoại nương của nhau nữa.

Trên đường trở về trụ sở UBND xã, Đại úy Chìa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Từ ngày về xã Nà Bủng công tác, chúng tôi đã hỗ trợ chính quyền xã giải quyết nhiều việc tranh chấp của bà con. Thực chất những vụ việc này không phải nhiệm vụ chính của lực lượng CAX. Tuy nhiên, do sự tin tưởng của chính quyền và bà con nên chúng tôi vẫn nỗ lực giúp họ hòa giải; đồng thời, sau mỗi vụ tranh chấp được giải quyết, xử lý ổn thỏa, thì cũng góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự địa phương và giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Có thể nói, với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ, chiến sĩ CAX hoàn toàn đủ năng lực cùng chính quyền sở tại tham gia giải quyết hòa giải các vụ việc cơ sở. Chính vì thế, mỗi khi có vụ việc tranh chấp, người dân thường nhấc máy gọi ngay cho lực lượng CAX đầu tiên. Dù việc lớn hay việc nhỏ, người dân đều tin tưởng, nhờ cậy CAX giải quyết. Ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, cán bộ CAX chính quy cũng là những “địa chỉ đỏ” để bà con tin tưởng, nhờ giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp. Gặp gỡ chúng tôi, Thiếu tá Lý A Tung, Trưởng CAX Nậm Kè cho biết: “Những vụ tranh chấp của bà con ở cơ sở thường vượt quá khả năng giải quyết của một cán bộ tư pháp, địa chính hay văn hóa xã; nhưng lại chưa đến thẩm quyền giải quyết của cấp cao hơn. Chính vì thế, khi có vụ tranh chấp xảy ra, CAX chúng tôi thường đứng ra hòa giải, xử lý cho bà con. Nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra vào đêm hôm, ở bản xa trung tâm hoặc vào lúc thời tiết xấu, nhưng vì tính chất phức tạp, chúng tôi vẫn nhanh chóng đến xử lý ngay. Ví như vụ tranh chấp tài sản xảy ra mới đây (tháng 10/2020) trong một gia đình tại bản Nậm Kè 1. Bà con đã đánh nhau bị thương, phá hoại tài sản, nhà cửa và gây mất an ninh, trật tự khu vực... Chính vì thế, bằng giá nào chúng tôi cũng phải đến ngay để giải quyết ổn thỏa vụ tranh chấp cho họ”.

Thường xuyên đứng ra hòa giải ở cơ sở, Thiếu tá Tung và các đồng nghiệp tại CAX Nậm Kè phải tự nghiên cứu thêm sách, báo, tìm tài liệu tham khảo về pháp luật, sách liên quan đến công tác hòa giải, tư pháp, địa chính... Và mỗi vụ việc tiếp nhận được, các anh thường đưa ra trao đổi, tìm cách xử lý tốt nhất cho bà con; rồi tuyên truyền thêm về pháp luật cho bà con hiểu, lần sau không tái diễn vi phạm hay tranh chấp.

Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cũng nhận định: “Từ khi triển khai đưa lực lượng công an chính quy về xã, lực lượng này đã trở thành những cánh tay đắc lực, hiệu quả của ngành trong việc giữ gìn an ninh, trật tự khu vực và cung cấp dữ liệu khu dân cư. Khi lực lượng này kiêm thêm vai trò cán bộ hòa giải, đã tham gia giải quyết tốt những vụ tranh chấp ở cơ sở. Từ đó, người dân càng thêm trân trọng, tin tưởng vào chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng CAX và chung tay giữ gìn trật tự ở địa phương. Đồng thời, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu về an ninh, trật tự ở tỉnh biên giới trọng yếu của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: Phương Liên - Thu Thủy
Bình luận
Back To Top