Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh

12:31 - Chủ Nhật, 28/03/2021 Lượt xem: 5541 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 49) và Kết luận 92 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành chức năng triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh CCTP; củng cố lòng tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, ổn định an ninh, chính trị xã hội trên địa bàn.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp tuyên truyền trợ giúp pháp lý lưu động tại bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé).

Lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 49 và Kết luận 92, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết, 2 chỉ thị, 3 chương trình, 9 quyết định và nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và hoạt động thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ðồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp; tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp.

Nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tư pháp, tỉnh ta đã chủ động đánh giá tình hình thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999; HÐND tỉnh đã lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Bộ luật Dân sự sửa đổi; Bộ luật Hình sự sửa đổi. Kết quả đã có 92.108 ý kiến tham gia sửa đổi Hiến pháp; 52.348 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự. Ðến năm 2018, tỉnh ta đã hoàn thiện hệ thống hoá đối với 48 văn bản thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp.

Ðể từng bước hoàn thiện tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm chủ trương của Ðảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, ngành Tòa án thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ; thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động cán bộ; cử cán bộ tham gia tập huấn, học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ xét xử và lý luận chính trị; đảm bảo chất lượng, tiến độ giải quyết, xét xử các loại án. Thực hiện Nghị quyết 49, đến nay toàn tỉnh đã có 1.930 vụ án có người bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm từ 0,87% (năm 2005) xuống còn 0,36% (năm 2020).

Ðối với ngành Công an, Công an tỉnh đã cơ cấu lại biên chế lực lượng công an 2 cấp (tỉnh và huyện), bố trí nhân sự phù hợp cho các cơ quan điều tra. Hiện nay, Công an tỉnh có 149 điều tra viên. Công tác bắt tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự luôn được công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; không có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam oan sai hoặc bắt, tạm giữ hình sự sau chuyển xử lý hành chính.

Là một trong những cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác CCTP, ngành Kiểm sát tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, chú trọng chất lượng luận tội, kỹ năng tranh luận của kiểm sát viên. Ðồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một trong những kết quả điển hình là Viện Kiểm sát nhân dân đã phối hợp với Toà án nhân dân 2 cấp tổ chức 320 phiên toà kiểu mẫu để rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tranh tụng cho kiểm sát viên tại phiên toà.

Xác định tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tư pháp là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện CCTP, Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo dõi, xử lý tốt các vụ việc theo Chỉ thị 15- CT/TW của Bộ Chính trị về “Sự lãnh đạo của Ðảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Ðảng”, nhất là các vụ án tham nhũng, chức vụ. Chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về CCTP theo thẩm quyền. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về tăng cường các mặt công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vụ án lớn, trọng điểm, vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan dân cử đã tăng cường giám sát các cơ quan tư pháp trên địa bàn, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động tư pháp.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top