Đề xuất “mở cửa” khung pháp lý về hòa giải trực tuyến

16:07 - Thứ Ba, 30/03/2021 Lượt xem: 4090 In bài viết

Tọa đàm "Giải quyết tranh chấp trực tuyến và Giới thiệu nền tảng Hòa giải trực tuyến" vừa được Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng nay 30-3.

Hòa giải ở Việt Nam không chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp, mà còn là nét văn hóa truyền thống. Thêm vào đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động và gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với kinh tế – xã hội trên quy mô toàn cầu. Bối cảnh khó khăn này cũng là động lực mạnh mẽ cho những thay đổi tích cực trong việc số hóa toàn bộ hoặc một phần quy trình giải quyết tranh chấp thương mại.

Đó là luận điểm chính được nêu tại cuộc Tọa đàm "Giải quyết tranh chấp trực tuyến và Giới thiệu nền tảng Hòa giải trực tuyến", do Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng nay, 30-3. Theo đó, song song với việc vận hành quy trình hòa giải thương mại truyền thống, VMC đã tiến hành xây dựng nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp. Tuy nhiên, MedUp hoàn toàn có thể là nền tảng để hòa giải tranh chấp trong các lĩnh vực thương mại khác chứ không chỉ là thương mại điện tử.

Phát biểu tại cuộc toạ đàm, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC cho biết, hòa chung với xu hướng thế giới, thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đã có những bước tiến lớn. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) chỉ ra rằng, mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 15% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp được đánh giá là hướng đi tối ưu và là xu hướng phù hợp.

Tuy vậy, để có thể triển khai phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến nói chung và hòa giải trực tuyến nói riêng, điều kiện cần là phải “mở cửa” khung pháp lý về hòa giải trực tuyến. Cụ thể, cần phát triển đầy đủ các chỉ số thương mại điện tử khác, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới các trao đổi trên không gian mạng; chữ ký điện tử hay định danh và xác thực điện tử.

Yêu cầu này chỉ có thể thoả mãn được khi có sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, điều kiện đủ để phát triển hình thức này là nỗ lực của các tổ chức có tiềm năng cung cấp giải pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến và sự cởi mở trong quan điểm, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các nhóm người dùng tiềm năng.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top