Phổ biến, giáo dục pháp luật ở Điện Biên Đông

08:53 - Thứ Tư, 20/10/2021 Lượt xem: 4925 In bài viết

ĐBP - Là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế (nhất là về pháp luật) nên vẫn còn tình trạng thiếu ý thức chấp hành, vi phạm pháp luật. Huyện Điện Biên Đông đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Công an xã Pú Hồng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân bản Tin Tốc B.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Nhận thức về pháp luật của người dân trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Phần lớn người dân cho rằng pháp luật là những mệnh lệnh mà người ta cần phải tuân thủ, là hình phạt, là trừng trị... người khác thì cho rằng, pháp luật chỉ là để giải quyết các tranh chấp. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ rơi vào tình thế, sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại dính líu tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế…). Theo bà Phượng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trình độ dân trí còn thấp, giao thông đi lại khó khăn, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật hạn hẹp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phát huy tinh thần tự học tập, tìm hiểu pháp luật của công dân, tạo chuyển biến về ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong xã hội. Hàng năm, cùng với việc quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước về PBGDPL, huyện Điện Biên Đông đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL cho người dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực như: Tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện xuống các thôn, bản để tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa; qua băng zôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, xe tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trên mạng xã hội zalo, facebook của các cơ quan, đơn vị; qua hệ thống truyền thanh cơ sở, qua tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp, cẩm nang, sổ tay, tờ gấp... Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm như phòng, chống tội phạm về ma túy; phòng, chống tham nhũng; xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông, bảo vệ rừng, đất đai, các quy định về phòng, chống dịch Covid-19... Trong 9 tháng đầu năm, huyện tổ chức 9 buổi tuyên truyền PBGDPL cho 580 lượt người tham dự; các cơ quan, đơn vị tổ chức 160 buổi, hơn 6.400 lượt người; UBND các xã tổ chức được 87 buổi tuyên truyền cho hơn 9.000 lượt người.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, huyện chú trọng làm tốt công tác hòa giải cơ sở, chủ động tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đến nay, 198/198 bản trên địa bàn huyện đã thành lập được tổ hòa giải với tổng số gần 1.100 thành viên. Từ năm 2020 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 201 vụ việc, trong đó hòa giải thành 149 vụ, hòa giải không thành 48 vụ và đang giải quyết 4 vụ. Các vụ việc hòa giải chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất nương, đất ruộng, đất ao, tranh chấp nguồn nước, hôn nhân gia đình, dân sự, môi trường... Đáng chú ý, thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, Phòng Tư pháp huyện còn phối với các cơ quan liên quan biên soạn nội dung truyền thông về trợ giúp pháp lý thành tiếng Mông, tiếng Thái với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Mặt khác, huyện chỉ đạo các xã chú trọng xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả các tủ sách pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của cán bộ và nhân dân. Hiện 100% các xã đều có tủ sách pháp luật với hàng chục đầu sách, báo các loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhân dân. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, các ngành chức năng của huyện còn tổ chức xét xử lưu động 9 vụ tại 2 xã Keo Lôm, Luân Giói; qua đó góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhân dân.

Chú trọng tuyên truyền bằng nhiều giải pháp thiết thực, công tác PBGDPL cho người dân trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã đạt những kết quả tích cực. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân không ngừng được nâng lên, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội. Đồng thời, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top