Xuất hiện nhiều “quái chiêu” của tội phạm mua bán người

17:22 - Thứ Tư, 03/05/2023 Lượt xem: 4145 In bài viết

Qua báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an trong quý I năm 2023, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp, toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều “quái chiêu” mới của tội phạm mua bán người...

Lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội

Trong quý I năm 2023, lực lượng Cảnh sát hình sự đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa và ra nước ngoài.

Toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, mua bán người: 31 vụ/70 đối tượng; mua bán người dưới 16 tuổi: 25 vụ/80 đối tượng; mua bán người trong nội địa: 28 vụ/99 đối tượng/51 nạn nhân (xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Tuyên Quang); mua bán người ra nước ngoài: 28 vụ/51 đối tượng/67 nạn nhân.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự xác lập mới 2 chuyên án đấu tranh với đường dây tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người xảy ra tại Tuyên Quang và các địa phương có liên quan; chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi. Đã điều tra, khám phá chuyên án triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) do đối tượng Đường Khắc Nghĩa (SN 1987), trú tại Thái Bình và đồng bọn thực hiện tại địa bàn TP Hà Nội và các địa phương phía Bắc. Kết quả, bắt 5 đối tượng…

Công an các địa phương đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người và các hành vi phạm tội khác có liên quan đến mua bán người. Điển hình: Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện điều tra 7 vụ, 19 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân. Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, điều tra 6 vụ, 29 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân. Công an TP Hà Nội phát hiện điều tra 4 vụ, 16 đối tượng, lừa bán 9 nạn nhân. Công an tỉnh Hà Giang phát hiện, điều tra 4 vụ, 5 đối tượng, lừa bán 4 nạn nhân. Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, điều tra 4 vụ, 13 đối tượng, lừa bán 20 nạn nhân; Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá 1 đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt, khởi tố 6 đối tượng…

Công an tỉnh Đắk Lắk lấy lời khai đối tượng trong đường dây mua bán người.

Tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là việc lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Nổi lên tình hình liên quan đến địa bàn Việt Nam- Lào: Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin như qua Internet, điện thoại, sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc nhẹ, lương cao. Sau đó, tổ chức đưa nạn nhân sang Lào (hợp pháp hoặc bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới).

Tại Lào, nhiều nạn nhân bị đưa vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện để bóc lột sức lao động. Đáng lưu ý, một số đối tượng đã giả danh cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp nhận các công dân Việt Nam do Lào trao trả, sau đó tiếp tục đưa nạn nhân bán vào các cơ sở khác.

Cụ thể, ngày 8/12/2022, Công an tỉnh Bò Kẹo, Lào phối hợp lực lượng chức năng tại Đặc khu kinh tế tam giác vàng tiến hành bắt giữ 8 đối tượng (7 người Việt Nam, 1 người Lào) có liên quan tới hoạt động mua bán người. Bên cạnh đó, Công an Lào đã bắt giữ 2 đối tượng người Việt Nam về hành vi mạo danh cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Lào để đến cơ quan chức năng tỉnh Bò Kẹo đón nạn nhân nghi bị mua bán đã được cơ quan chức năng Lào giải cứu, sau đó đưa sang các điểm dịch vụ khác để bóc lột sức lao động.

Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra làm rõ. Cục Cảnh sát hình sự đã cử tổ công tác trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào (Cơ quan Thường trực Bộ Công an tại Lào và Cục Phòng, chống mua bán người, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Lào) để phối hợp điều tra vụ việc mua bán người do lực lượng chức năng Lào điều tra, khám phá.

Chủ động nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm

Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, diễn biến và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan (như tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, môi giới hôn nhân bất hợp pháp, mua bán bộ phận cơ thể người), nhất là các phương thức, thủ đoạn mới để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong nội địa.

Cục Cảnh sát hình sự tham mưu lãnh đạo Bộ cử thành viên và chuẩn bị nội dung tham gia 3 Đoàn khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2022 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại 9 địa phương; phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an hoàn thiện Kế hoạch lập Hồ sơ xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Thực hiện kế hoạch số 1326 giữa Cục Cảnh sát hình sự và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng về phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021-2025, dự thảo kế hoạch điều tra, khảo sát và tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm mua bán người năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự - Bộ đội Biên phòng - Tòa án nhân dân - Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và các đơn vị có liên quan trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết phát hành App phần mềm “Người trợ lý ảo” tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, mua bán người và dự thảo kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng Công an cấp cơ sở phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao để xâm hại trẻ em, mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người, kế hoạch điều tra khảo sát tuyến Việt Nam- Lào về phòng, chống tội phạm mua bán người…

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top