Ngăn chặn ma túy vào học đường

15:24 - Thứ Hai, 29/05/2023 Lượt xem: 5706 In bài viết

ĐBP - Tại Trường THPT Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ), nội dung tuyên truyền về phòng chống ma túy thường xuyên được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Với nội dung đa dạng, thầy cô giáo đã linh hoạt, đổi mới cách thức truyền tải thông tin làm sao để học sinh dễ hiểu, không nhàm chán. Không chỉ được nghe giáo viên thông tin thời sự liên quan đến tác hại ma túy, tình hình học sinh sử dụng hiện nay; các em còn được tham gia các trò chơi, trả lời các câu hỏi nhận quà, xem các tiểu phẩm ngắn sát với nội dung. Điều đó khiến giờ ngoại khóa luôn được các em học sinh hào hứng mong chờ.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa trên lớp của học sinh Trường THPT Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ.

Em Dương Việt Anh, lớp 11B1 cho biết: Chúng em rất thích những buổi sinh hoạt như thế này. Thông qua buổi sinh hoạt chúng em hiểu thêm về tác hại cũng như cách phòng chống để tự bảo vệ bản thân mình và nhắc nhở bạn bè, người thân tránh xa ma túy...

Để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, hàng năm, Ban Giám hiệu Trường THPT Nà Tấu đã tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về việc phòng chống tác hại của ma túy trong học đường đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Tổ chức tuyên truyền tại các buổi ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần về tác hại và cách phòng chống tệ nạn ma túy. Từ đó cung cấp thêm kiến thức để giúp các em biết tránh xa các tệ nạn; đồng thời khuyến khích các em phát hiện, tố giác các đối tượng mắc nghiện, tàng trữ các chất ma túy tại nhà trường và địa phương.

Tại Trường THCS - THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa), để ngăn chặn tệ nạn ma túy, ngay từ đầu năm học, Trường đã chủ động phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền phổ biến về tình hình tội phạm và hệ lụy của tệ nạn ma túy; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự khu vực trường học. Thông qua giáo viên chủ nhiệm và các buổi họp đầu năm, trường khuyến cáo phụ huynh quan tâm giáo dục, theo dõi, giám sát để sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để con em mình sa ngã vào tệ nạn ma túy… Đồng thời, tăng cường hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường để dễ dàng tiếp nhận thông tin, phản ánh của học sinh và tư vấn, hỗ trợ, có giải đáp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề trong trường học.

Thầy giáo Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quyết Tiến cho biết: Các đối tượng buôn bán ma túy thường nhằm vào các em học sinh có biểu hiện chán học, mải chơi, ý thức tổ chức kỷ luật kém… để lôi kéo, dụ dỗ sử dụng, buôn bán ma túy. Vì vậy, trường tổ chức các chương trình ngoại khóa, giao lưu thể thao, văn nghệ, xây dựng câu lạc bộ khuyến khích các em tích cực tham gia, sáng tạo, đổi mới nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực trong học tập. Cùng với đó, trường chủ động trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ của loại tội phạm này; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, giải đáp thắc mắc giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Thực hiện dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã chỉ đạo các trường đưa hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy lồng ghép, tích hợp vào chương trình học và hoạt động thi đua của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về việc nhận diện các vấn đề an ninh chính trị, an toàn xã hội cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm ma túy trong học sinh, tăng cường các điều kiện cho công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường giáo dục lành mạnh.

Tuy nhiên, để công tác giáo dục phòng, chống ma túy trong nhà trường đạt kết quả tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Mỗi gia đình cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động của nhà trường; siết chặt quản lý, giám sát lịch trình ngoài giờ trên lớp của con; chủ động trao đổi thông tin với giáo viên để có biện pháp phối hợp giáo dục tốt nhất.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top