Đưa kiến thức pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số

06:52 - Chủ Nhật, 04/06/2023 Lượt xem: 6129 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, ngành phối hợp triển khai thực hiện tốt. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Các lực lượng chức năng phối hợp tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Ảnh: C.T.V

Tỉnh ta có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc rất ít người như: Cống, Si La, Phù Lá sinh sống tập trung ở địa bàn vùng cao, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Điều đó dẫn đến tình trạng một số địa bàn xảy ra tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Xác định việc đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án về PBGDPL hoặc lồng ghép thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”. Công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đổi mới về hình thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền. Hằng năm, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở về nhu cầu thông tin, hình thức PBGDPL và tuyên truyền, vận động để lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, như: Mô hình Ban thông tin truyền thông cấp xã; mô hình “mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”; mô hình “dòng họ tự quản, bản làng bình yên”; các mô hình PBGDPL thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp về nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhận cận huyết thống; phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới… Hội đồng PBGDPL, các cấp, ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc thi; tổ chức các cuộc PBGDPL trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, PBGDPL đến người dân, như: Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Tỉnh đoàn...

Điển hình, từ năm 2022 đến nay, lực lượng biên phòng tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng có liên quan, bằng nhiều hình thức phong phú đã tổ chức tuyên truyền tập trung, riêng lẻ, trên loa truyền thanh của bản, xã biên giới, qua “Tiếng loa Biên phòng” và thông qua biểu diễn văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Bảo vệ và phát triển rừng... kết hợp vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, không tiếp tay cho tội phạm được 1.886 buổi cho gần 88.000 lượt người; vận động 1.950 hộ, gần 6.200 khẩu không di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân ở khu vực biên giới tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước; nâng cao cảnh giác cách mạng, phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; từng bước xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân khu vực biên giới tỉnh; củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới vững mạnh.

Triển khai thực hiện Luật PBGDPL, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL và xác định đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là khâu đầu tiên trong công tác thi hành pháp luật và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc phát huy tốt vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng làm chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top