Núp bóng từ thiện để chiếm đoạt tài sản

10:46 - Thứ Năm, 06/07/2023 Lượt xem: 5159 In bài viết

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản “núp bóng” các tổ chức từ thiện, thiện nguyện khiến dư luận bức xúc. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường bịa ra những câu chuyện thương tâm về người bị tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo cần sự giúp đỡ. Những câu chuyện đó nhanh chóng lan tỏa khiến ai đã từng đọc đều rơi nước mắt. Sau đó lợi dụng sự thương cảm của những tấm lòng hảo tâm, các đối tượng sẽ kêu gọi ủng hộ tiền làm từ thiện rồi chiếm đoạt, có vụ lên tới hàng tỷ đồng…

Đối tượng Hoàng Công Trường tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Chị Trần Vân Anh, ở quận Đống Đa (Hà Nội) là người giàu lòng trắc ẩn, mỗi khi biết được người nào gặp khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa bệnh thì chị thường sớm liên hệ để giúp đỡ.

Chị tâm sự: “Hạnh phúc của tôi là được giúp đỡ những hoàn cảnh hoạn nạn, nhưng nhiều lúc vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền ủng hộ từ thiện. Những lúc như vậy tôi cảm thấy rất bức xúc vì số tiền mình mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn lại không đến được tay họ. Sau đó, tôi rút ra bài học mỗi khi muốn ủng hộ, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... thì ủng hộ thông qua Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các địa phương hoặc các cơ quan báo chí”.

Không chỉ chị Vân Anh mà rất nhiều người đã bị lừa đảo chiếm đoạt rất nhiều tiền dưới chiêu trò “núp bóng” các tổ chức từ thiện. Điển hình như Công an thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh vừa triệt phá thành công một nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi ủng hộ từ thiện trên không gian mạng.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hoàng Công Trường (sinh năm 1986, trú tại Phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng đầu năm 2021, Hoàng Công Trường lên mạng internet tìm kiếm thông tin và tải các hình ảnh rồi đăng lên Facebook kèm theo bài viết có nội dung bịa đặt kể về những người thân của mình như vợ, con, bố, mẹ, anh, chị… có hoàn cảnh hết sức đáng thương để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi.

Tại Đắk Nông, Trường đăng hình ảnh, bài viết kêu gọi giúp đỡ tiền điều trị cho cháu Hoàng Duy Q. (sinh năm 2015), trú tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, nhập viện ngày 29/1/2023, đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông (kèm theo một số giấy tờ liên quan). Sau khi Trường đăng tải bài viết cùng hình ảnh trên các trang Facebook cá nhân, đã có nhiều người chuyển tiền ủng hộ qua các tài khoản ngân hàng và bị đối tượng chiếm đoạt.

Với thủ đoạn nêu trên, từ đầu năm 2021 đến ngày 13/6/2023, đã có 5.887 người ở nhiều địa phương trên cả nước chuyển cho Trường hơn 5,6 tỷ đồng thông qua nhiều tài khoản ngân hàng ủng hộ từ thiện, tiền hỗ trợ mai táng và bị Trường chiếm đoạt. Hiện vụ việc đang được Công an thành phố Gia Nghĩa điều tra, mở rộng, xử lý theo quy định pháp luật…

Qua tìm hiểu về các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này có thể thấy các đối tượng thường tạo lập các trang mạng xã hội như Facebook, sau đó đăng tải các bài viết, hình ảnh không có thật về một số cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ. Có lúc các đối tượng còn giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được Nhà nước cho phép; hoặc sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn tại các tờ báo có uy tín để dẫn nguồn trên fanpage Facebook.

Sau đó khéo léo xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập nhằm tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Đặc biệt, để các bài viết, câu chuyện lan tỏa mạnh mẽ và được nhiều người xem trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng thường lựa chọn thời điểm đăng bài, cách viết giàu biểu cảm, cách đặt tên fanpage Facebook rất mỹ miều như: “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”,…

Khi các bài viết được đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút hàng chục, thậm chí hằng trăm nghìn người quan tâm theo dõi và số tiền ủng hộ cũng tăng lên nhanh chóng. Khi nhận được số tiền do các nhà hảo tâm ủng hộ, các đối tượng không trao tặng các cá nhân, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc nếu có chỉ chuyển một phần rất nhỏ để tạo lòng tin sau đó tiếp tục “kêu gọi từ thiện”…

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Trưởng Công an thành phố Gia Nghĩa, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo hết sức tinh vi, sử dụng công nghệ cao làm phương tiện nên rất khó nhận biết, chúng “đánh” vào tâm lý của mọi người bằng việc lợi dụng lòng thương cảm, tấm lòng nhân ái, thiện nguyện của tổ chức, cá nhân đối với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để các khoản ủng hộ đến đúng địa chỉ cần giúp đỡ, phát huy hết ý nghĩa tấm lòng nhân ái với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời không bị rơi vào cạm bẫy của đối tượng lừa đảo thì mỗi người cần nêu cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội.

Các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nếu số tiền, tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào các quy định liên quan để xử phạt hành chính. Nếu đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo các Điều 174, 175, 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt. Mức phạt tù cao nhất theo Điều 174 là chung thân; các Điều 175, 290 thì mức phạt tù cao nhất là 20 năm.

Luật sư BÙI ĐÌNH BẢN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Hằng năm, vào dịp trước Tết Nguyên đán, chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ,… khu dân cư thường tổ chức Chương trình “Tết ấm yêu thương” cho những người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để chương trình thành công và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, chúng tôi kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các đảng viên, hội viên các hội cựu chiến binh, phụ nữ, người cao tuổi, doanh nghiệp… Rất nhiều người ủng hộ gạo, nước mắm, dầu ăn và thậm chí cả tiền để gói bánh chưng trao tặng các cá nhân, gia đình gặp khó khăn trong khu dân cư. Mọi kinh phí, quà ủng hộ của các nhà hảo tâm và danh sách các cá nhân, gia đình được nhận quà đều được các cán bộ khu dân cư thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…

BÙI QUỐC HUÂN, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 3,

phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top