Y tếPhòng, chống Covid-19

Nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất

08:47 - Thứ Hai, 08/02/2021 Lượt xem: 2244 In bài viết

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, trong ngày 7-2, ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 lây nhiễm ở cộng đồng, trong đó tại Hải Dương 19 ca và tỉnh Gia Lai một ca.

Trong tổng số 19 ca ghi nhận tại Hải Dương có 15 ca là F1 liên quan ổ dịch ở khu công nghiệp TP Chí Linh và đã được cách ly tập trung; các ca còn lại liên quan ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng và huyện Kinh Môn. Đối với ca mắc Covid-19 ở tỉnh Gia Lai (người bệnh 1.982) liên quan ổ dịch ở huyện Ia Pa, đã được cách ly tập trung ngày 3-2. Hiện, các người bệnh được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa, Bệnh viện dã chiến TP Chí Linh, Bệnh viện dã chiến Trường đại học Kỹ thuật y tế tỉnh Hải Dương.

Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19) cho biết, trong ngày, có bốn người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (người bệnh 1.547, 1.526, 1.478, 1.505).

Sáng 7-2, tại Trung tâm Quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, GS, TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn người bệnh Covid-19 nặng, GS, TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cùng các thành viên Tiểu ban Điều trị đã hội chẩn cho những người bệnh Covid-19 nặng đang điều trị ở các bệnh viện trong cả nước. GS, TS Nguyễn Gia Bình cho biết, tỷ lệ người bệnh nặng trên tổng số người bệnh giai đoạn này không cao, nhưng chúng ta không được lơ là, chủ quan. Trường hợp khó thở phải được coi là ca bệnh nặng để phòng ngừa những diễn biến xấu. Các bác sĩ điều trị trực tiếp cần bám sát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Đề nghị các sở y tế bố trí thuốc đầy đủ trong danh mục thuốc theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

Ngày 7-2, Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung để bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn PCD. Theo đó, yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; bảo đảm thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp PCD (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hằng ngày...). Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong toả hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). UBND các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc PCD Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.

UBND thành phố Hải Phòng đã điều chỉnh quy định PCD Covid-19 được ban hành ngày 6-2. Theo đó, công dân ra vào thành phố sẽ không phải xuất trình giấy xác nhận của UBND cấp phường, xã, chỉ thực hiện khai báo y tế tại các chốt kiểm soát ra, vào thành phố (trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào thành phố); khai báo y tế tại các tổ kiểm soát PCD Covid-19 ở thôn, tổ dân phố; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung khai báo và phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19.

Tiếp tục xét nghiệm tầm soát cho nhân viên sân bay

Ngày 7-2, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) ban hành chỉ thị khẩn về tăng cường các biện pháp cấp bách về cách ly và phòng, chống dịch Covid-19, nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất.

Theo đó, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Tất cả các cơ quan, đơn vị ngành hàng không dân dụng nâng mức phòng, chống dịch lên mức cảnh báo cao nhất, nhất là tại sân bay và tại các cơ sở điều hành bay, toàn thể cán bộ, nhân viên không được lơ là, mất cảnh giác; giám sát, nhắc nhở tất cả nhân viên và hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong sân bay; sát khuẩn tay đúng cách; kiểm tra thân nhiệt hành khách nghiêm ngặt; thường xuyên vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị và khu vực có nguy cơ lây nhiễm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Các hãng hàng không yêu cầu tất cả hành khách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước khi lên tàu bay và trong suốt chuyến bay. Đồng thời, rà soát lại quy trình, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm cách ly y tế và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục việc lây lan dịch ra cộng đồng thông qua các thành viên tổ bay,...

Chiều 7-2, Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh cho biết, thông tin về 20 trường hợp nhiễm Covid-19 tại sân bay đang lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đêm 6-2, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lấy mẫu khẩn cho khoảng 1.400 nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là nhóm đang chờ lấy mẫu trong hoạt động lấy mẫu giám sát toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay của thành phố. Xét nghiệm được thực hiện theo phương pháp gộp năm mẫu. Kết quả xét nghiệm sáng 7-2 cho kết quả bốn mẫu gộp (mỗi mẫu gồm năm người) có kết quả nghi ngờ. 20 trường hợp này đã được lấy lại mẫu để xét nghiệm lại. Trong khi chờ kết quả cuối cùng, 20 trường hợp này đã được cách ly tập trung tạm thời, đồng thời vẫn tiến hành cách ly và lấy mẫu tiếp xúc trong gia đình.

Sáng cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng phối hợp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ lực lượng đang làm việc tại cảng. Theo đó, gần 1.300 người là cán bộ, nhân viên, người lao động của tất cả các đơn vị được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Sau hơn 15 giờ thần tốc triển khai, Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành để phục vụ điều trị cho người bệnh Covid-19. Bệnh viện đặt tại Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ, với quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 30 giường hồi sức. Hàng loạt vật tư, trang thiết bị y tế như máy tim phổi nhân tạo (ECMO), bình khí nén, bình ô-xy trung tâm... được vận chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai. Hiện, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang chia nhóm nhỏ, triển khai hàng loạt công tác về chuyên môn, đào tạo tại chỗ, khảo sát thực địa thêm các địa điểm khác... để chủ động với các tình huống có thể xảy ra.

Vừa qua, Đoàn kiểm tra công tác PCD thành phố Hải Dương kiểm tra tại các xã, phường trên địa bàn thành phố phát hiện nhiều nơi cán bộ còn lơ là, chưa thực hiện đúng những quy định của thành phố trong PCD, như: Chưa thực hiện tốt công tác PCD ở các khu chợ; chưa lập chốt kiểm soát đo thân nhiệt; vi phạm về an toàn thực phẩm; bày bán hàng ăn tại chỗ...

Những ngày gần đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại quận Hoàn Kiếm, từ cuối tháng 1 đến nay, các đơn vị đã xử phạt 69 trường hợp, với số tiền 139 triệu đồng. Tại quận Bắc Từ Liêm, Công an quận đã xử phạt 36 trường hợp, với số tiền là 36 triệu đồng. Lực lượng chức năng quận Đống Đa đã lập biên bản xử phạt hành chính 46 trường hợp, với số tiền 69 triệu đồng...

 

Việt Nam sẽ sớm nhận được tài trợ vắc-xin Covid-19

PGS, TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Điều phối viên khu vực Tây Thái Bình Dương về vắc-xin Covid-19 cho biết, hiện tại, WHO đang làm việc và phối hợp chặt chẽ các đối tác, các nhà sản xuất vắc-xin nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời cho các quốc gia tham gia cơ chế COVAX (một cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19). Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vắc-xin Covid-19 với số lượng dự kiến từ 4.886.400 đến 8.253.600 liều, trong đó từ 25 đến 35% số liều sẽ được cung cấp trong quý I-2021 và số còn lại sẽ được cung cấp trong quý II.

WHO cũng phối hợp các quốc gia trong việc bảo đảm nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm chủng trong giai đoạn đầu, khi vắc- xin chưa đủ cung ứng cho toàn dân. Các nhóm đối tượng ưu tiên gồm: Cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, nhóm dễ bị tổn thương (như người cao tuổi có bệnh nền...).

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top