Y tếPhòng, chống HIV

Hà Nội là một trong địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất

00:00 - Thứ Năm, 03/09/2015 Lượt xem: 822 In bài viết
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế và Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tổ chức sáng 3-9 tại Hà Nội.

Hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Tổng quan về tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Phương Hoa, Trưởng Khoa giám sát HIV/AIDS (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội) cho biết, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV cao nhất nước. Tính đến ngày 30-6, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn Thủ đô là hơn 18 nghìn trường hợp. Tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS là gần 5.000 trường hợp.

6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 434 trường hợp nhiễm HIV mới; số bệnh nhân AIDS là 381 trường hợp; số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 75 trường hợp. Trên địa bàn thành phố đến nay đã có 548/584 xã/phường/thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV (chiếm tỷ lệ 93,3%). Trong đó có gần 90% người nhiễm tập trung chủ yếu ở 12 quận, huyện nội thành của Hà Nội. Đa số người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi (từ 20-39). Điều đáng nói là xu hướng nhiễm HIV/AIDS qua đường quan hệ tình dục khác giới đang tăng dần và chiếm tỷ lệ lớn hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, trong 1-2 năm gầy đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong quan hệ đồng giới cũng bắt đầu tăng.

Tuy nhiên chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam năm 2014 tại 5 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, Hải Phòng và Cần Thơ) với hơn 1.600 người và được thực hiện bởi Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV tại Việt Nam cho thấy, bị xì xào bàn tán là một trong các dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất chiếm tỷ lệ 23,3%; tiếp đến là 6,7% người nhiễm HIV bị từ chối việc làm; 5,8% bị xúc phạm; 4,2% bị mất việc làm hoặc nguồn thu nhập; 2,8% phụ nữ sống với HIV bị hành hung và 2,6% bị loại khỏi các hoạt động xã hội… Trong đó, phụ nữ mại dâm, phụ nữ sống với HIV, người tiêm chích ma tuý là các nhóm hay bị vi phạm quyền của người nhiễm HIV cao nhất.

Theo TS Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV đồng nghĩa với “cái chết” về mặt xã hội. Khi người nhiễm HIV bị chính gia đình, cộng đồng và các quan hệ xã hội của mình cô lập và chối bỏ, họ sẽ có nguy cơ bị mất việc làm, bị chối bỏ quyền sở hữu đất và nhà, bị từ chối nhận vào trường học, bị bạo hành, bị các dịch vụ y tế và xã hội từ chối hỗ trợ và không tiếp cận được trợ giúp về pháp lý.

Đáng lo ngại hơn, kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân người nhiễm HIV mà điều này còn khiến HIV lây lan nhiều hơn trong cộng đồng. Khi người nhiễm HIV e sợ những gì người khác nghĩ về mình hoặc sợ người khác có thể đối xử tệ với mình thì họ sẽ không muốn đi xét nghiệm hay sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Như vậy, họ có thể vô tình truyền HIV sang những người thân của mình. Chẳng hạn như một người chồng có thể truyền HIV sang vợ. Người vợ ấy có thể truyền HIV sang đứa con. Như thế, đáng ra lúc đầu chỉ có một người nhiễm HIV nhưng kỳ thị và phân biệt đối xử làm lây ra nhiều người. Tất cả chỉ vì người nhiễm HIV sợ đi xét nghiệm, sợ bị đối xử không tốt tại các cơ sở y tế. Kể cả khi người nhiễm HIV đã biết chắc về tình trạng nhiễm của mình, thì việc sợ kỳ thị và phân biệt đối xử cũng khiến họ không muốn tiết lộ với người bạn đời hay với gia đình và bè bạn.

Thậm chí, nhiều người nhiễm HIV còn trì hoãn hay hoàn toàn từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị. “Chúng ta đã biết nhiều câu chuyện về người nhiễm HIV chấp nhận đi xa khỏi nơi mình sinh sống để được nhận dịch vụ chăm sóc và điều trị của những cán bộ y tế hoàn toàn xa lạ, cốt để tránh bị lộ danh tính nhiễm HIV tại cơ sở y tế ở địa phương nơi mình cư trú. Nhiều người chỉ chịu tham gia điều trị khi họ đã bệnh quá nặng và không thể giấu được các triệu chứng. Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới hay người bán dâm còn phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nặng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý”, TS TS Kristan Schoultz nhấn mạnh.

Để Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra, đó là hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, tất cả chúng ta phải cùng hành động, mạnh mẽ hơn, trúng đích hơn để chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Và chúng ta phải hành động ngay không chậm trễ.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top