Y tếPhòng, chống HIV

Thêm cơ hội điều trị cho người nghiện ma túy

00:00 - Thứ Hai, 28/09/2015 Lượt xem: 771 In bài viết
1024x768 Normal 0 false false false /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} ĐBP - Điện Biên có hơn 9.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Phần lớn trong số đó mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị bằng Methadone. Nhưng do hệ thống cơ sở điều trị Methadone chưa được nhân rộng về nhiều tuyến cơ sở, nên họ gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận. Mới đây, tháng 6/2015, ngành Y tế tỉnh Điện Biên triển khai chương trình đưa Methadone về tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người nghiện ma túy ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa có thể tham gia, có thêm cơ hội làm lại cuộc đời.

Núa Ngam là 1 trong 6 xã của huyện Điện Biên được triển khai điều trị Methadone ngay tại trạm y tế xã và là 1 trong 2 xã của huyện thực hiện khởi liều tại chỗ. Có mặt tại đây vào ngày 24/9, từ sáng sớm đã có khá đông người nghiện ma túy trên địa bàn đến để uống thuốc. Ngoài những bệnh nhân đang được điều trị, còn nhiều người lần đầu tiên đến để được tư vấn, xét nghiệm, làm thủ tục khởi liều. Được biết, khi vừa đi vào hoạt động ngày 17/8, Cơ sở điều trị Methadone xã Núa Ngam đã khởi liều cho 41 bệnh nhân và nhận 3 bệnh nhân từ Cơ sở điều trị huyện Điện Biên chuyển về. Đợt 2 này, cơ sở khởi liều thêm cho 28 người nghiện, nâng tổng số bệnh nhân điều trị tại đây lên 72 người.

Các bệnh nhân mới được y, bác sĩ tư vấn, xét nghiệm, hướng dẫn làm thủ tục trước khi khởi liều tại Cơ sở điều trị Methadone xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Chị Giàng Thị Tông (bản Na Sang 1, xã Núa Ngam) là một trong những người được khởi liều trong đợt này, cho biết: “Tôi sử dụng ma túy đến nay đã được 5 năm. Tôi cũng muốn được điều trị Methadone từ lâu, nhưng vì trước đây phải đi uống thuốc xa quá nên không có điều kiện tham gia. Bây giờ có thể uống tại xã, nên tôi đã đăng ký để được điều trị. Tôi sẽ tuân thủ đúng theo lời dặn của bác sĩ để làm lại cuộc đời”.

Anh Vì Văn Thương (bản Na Sang 1, xã Núa Ngam) cũng là bệnh nhân được khởi liều điều trị Methadone tại xã từ đợt 1 (ngày 17/8). Trước đây, do anh dính vào nghiện ngập nên bỏ bê ruộng vườn, cũng từ đó kinh tế gia đình vô cùng sa sút. Khi biết mô hình điều trị Methadone được đưa về tuyến xã, anh đã mạnh dạn tham gia. Anh Thương tâm sự: “Từ khi được khởi liều uống Methadone tại xã, tôi thấy sức khỏe của mình ngày một tốt hơn. Tôi không còn tốn kém nhiều tiền cho ma túy như trước nữa. Không mất nhiều thời gian đi uống, sau khi uống xong tôi vẫn có thể về lao động sản xuất, làm ra tiền nuôi vợ con”.

Hơn 1 tháng triển khai uống Methadone tại xã Núa Ngam, nhiều người nghiện đã được tiếp cận với dịch vụ. Qua đánh giá cơ bản, việc điều trị của các bệnh nhân đã dần đi vào ổn định. Y sĩ Nguyễn Thị Khuyên, Trưởng trạm Y tế xã Núa Ngam cho biết: Sau khi được cán bộ y tế cùng chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn, các bệnh nhân khởi liều đợt 1 tuân thủ rất tốt việc điều trị Methadone. Bệnh nhân về cộng đồng sinh hoạt bình thường, sống lành mạnh và hầu hết không có sử dụng ma túy nữa.

Ngoài Núa Ngam, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có tất cả 9 xã, thuộc 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Ẳng, Điện Biên và Điện Biên Đông được triển khai cơ sở điều trị Methadone vệ tinh tại xã. Trong đó, có 3 xã tiến hành khởi liều tại chỗ là: Huổi Lóng (huyện Tuần Giáo), Nà Tấu, Núa Ngam (huyện Điện Biên). Hiện nay, tổng số bệnh nhân điều trị Methadone tại xã là 598 người. Việc triển khai điều trị tới tuyến xã khó có thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu do thiếu thốn cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Để mô hình này đạt được kết quả như mong đợi, nhiều hoạt động đã được chuẩn bị một cách chu đáo, như: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị; gửi cán bộ y tế cấp xã đi đào tạo theo chương trình Methadone của Bộ Y tế; cho cán bộ cấp xã đến các cơ sở điều trị tuyến trên thực hành; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các khu dân cư…

Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết: Việc đưa Methadone về tuyến xã nhằm tăng độ bao phủ của chương trình, giúp cho người nghiện ma túy có điều kiện tiếp cận, sử dụng dịch vụ thuận lợi hơn. Qua đó, giảm chi phí, thời gian đi lại cho bệnh nhân. Đồng thời giúp cho các xã, phường dễ quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tỉnh Điện Biên có 21 điểm nằm trong kế hoạch triển khai cấp phát Methadone tuyến xã. Và trong tháng 10/2015, tỉnh Điện Biên sẽ hoàn thành việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Đồng thời hoàn thành việc đào tạo cán bộ, tiến hành thẩm định và cấp giấy phép hoạt động cho 1 cơ sở điều trị và 14 cơ sở cấp phát thuốc Methadone, trong đó có 12 cơ sở cấp phát thuốc tại các xã thuộc 8/10 huyện, thị của tỉnh.

Hiện nay, Điện Biên vẫn là tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên 1 vạn dân cao nhất cả nước. Được biết, việc triển khai điều trị và cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã sẽ được thực hiện lồng ghép với các chương trình phòng chống HIV/AIDS, điều trị ARV đối với người nhiễm H. Với việc đưa Methadone và ARV về tuyến xã như vậy, người nghiện ma túy, người nhiễm H ở các xã vùng sâu, vùng xa sẽ nhiều điều kiện tiếp cận với việc điều trị, chăm sóc hơn, góp phần quan trọng đẩy lùi ma túy, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top