Y tếPhòng, chống HIV

TPHCM:

Báo động thực trạng nhiễm HIV qua đường tình dục

00:00 - Thứ Năm, 12/11/2015 Lượt xem: 1244 In bài viết
Số người nhiễm HIV qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con đã giảm nhưng tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục lại gia tăng mức báo động. Cùng với khó khăn do nguồn viện trợ bị cắt giảm, thực trạng trên là rào cản khi thực hiện mục tiêu thanh toán đại dịch AIDS.

Vấn đề đáng quan ngại trên là nội dung được đặt ra trong buổi tổng kết 5 năm hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM (giai đoạn 2011 đến 2015) tổ chức ngày 11/11. Kết quả giám sát trọng điểm được Ủy ban phòng chống HIV/AIDS thực hiện vào năm 2014 trên cơ sở so sánh với năm 2011 cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm trên nhóm đối tượng nghiện chích ma túy đã giảm 21,6%; ở nữ bán dâm giảm gần 1%; tỷ lệ nhiễm ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới giảm 1,3%.

Tuy nhiên, đánh giá cả giai đoạn 2011 đến 2015 thì xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng nhanh và vượt xa xu hướng lây nhiễm qua đường máu. Trung bình có 57,5% người bị nhiễm HIV qua đường tình dục, trong khi đó, lây nhiễm qua đường máu là 41,3%. Thực trạng trên được đánh giá là do xu hướng quan hệ tình dục không an toàn trong cộng đồng dân cư không thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao ngày càng phổ biến và sự chủ quan lơ là của người dân khi HIV được xem là bệnh mạn tính.

Cuộc chiến giữa con người với căn bệnh thế kỷ vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi đó, cuộc chiến nhằm đẩy lùi tiến tới kết thúc đại dịch AIDS tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn. Do Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo nên nguồn viện trợ của cộng đồng quốc tế cho chiến dịch phòng chống HIV/AIDS cũng bị cắt giảm. Mặt khác, nguồn kinh phí quốc gia chi cho hoạt động phòng chống căn bệnh trên trong năm 2015 cũng giảm tới 75% so với năm 2012. Để duy trì thành quả đã đạt được, TPHCM đã phải chi ngân sách, thực hiện xã hội hóa trong dự phòng và điều trị.

Tuy nhiên, trên thực tế việc điều trị Methadone chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của bệnh nhân, số lượng bệnh nhân có nhu cầu điều trị Methadone trên địa bàn thành phố đến nay vẫn còn ở mức thấp. Do đó, các cơ sở điều trị tại thành phố khó chủ động, khó đảm bảo chỉ tiêu điều trị.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt 90% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình; 90% bệnh nhân HIV/AIDS được duy trì điều trị ARV và 90% bệnh nhân điều trị ARV kiểm soát được tải trọng vi rút ở mức thấp (dưới 1.000 bản sao/ml).

Để hoàn thành mục tiêu kéo giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong giai đoạn mới, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương tiếp tục hỗ trợ chính sách, chiến lược phù hợp trong trong phòng chống HIV/AIDS. Cụ thể, về tư vấn xét nghiệm HIV, cần xem việc xét nghiệm HIV là thường quy để đẩy mạnh việc xét nghiệm HIV tại các bệnh viện, tạo điều kiện để thực hiện mở rộng xét nghiệm.

Đối với công tác chăm sóc điều trị, cần có chủ trương đảm bảo nguồn thuốc ARV để người dân có thể tiếp cận sau khi có kết quả HIV dương tính (nên xây dựng thị trường thuốc cho người tự mua, chủng loại thuốc…); đẩy nhanh việc hỗ trợ điều trị ARV qua bảo hiểm y tế để các bệnh viện có thể thực hiện điều trị.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; ban hành các quy định, hướng dẫn đưa HIV/AIDS vào hệ thống điều trị như các bệnh khác, giảm dần việc xem đây là bệnh đặc thù mà là bệnh mạn tính có thể kiểm soát.

Ông Hứa Ngọc Thuận cho hay, trước mắt để giải quyết những khó khăn về nguồn kinh phí, thành phố sẽ tiến hành đa dạng hóa nguồn lực, huy động kinh phí từ xã hội trên cơ sở lồng gép các hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế để chi trả cho một số dịch vụ như điều trị ARV và các bệnh cơ hội. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tinh giảm hệ thống phòng chống loại bệnh trên theo hướng chi phí thấp, hiệu quả cao.

Theo Dân trí
Bình luận
Back To Top