Y tếPhòng, chống HIV

Thành quả đến từ sự kiên trì

00:00 - Thứ Tư, 02/12/2015 Lượt xem: 1127 In bài viết
ĐBP - Sáng đầu đông, trời trở rét nhưng tại Cơ sở điều trị methadone Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ, bệnh nhân vẫn xếp hàng chờ uống thuốc từ sớm. Trong số họ, có người tham gia điều trị chưa lâu, nhưng cũng không ít người đã “theo” chương trình nhiều năm. Trời mưa cũng như nắng, họ luôn có mặt nhận thuốc mỗi ngày với quyết tâm từ bỏ hoàn toàn ma túy, làm lại cuộc đời. Để có được sự điều trị tích cực ấy không chỉ là sự kiên trì của riêng người bệnh mà còn của đội ngũ cán bộ y tế tâm huyết nơi đây.

Ông Phan Văn M. (phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ) tham gia chương trình methadone từ khi Cơ sở điều trị methadone Noong Bua được thành lập, thu dung bệnh nhân đợt đầu tiên năm 2011. Năm nay, ông M. đã trên 50 tuổi, trước khi đến với chương trình, ông nghiện ma túy 26 năm và nghĩ rằng “mình xác định nghiện đến chết” bởi nhiều lần cai nghiện không thành công. Khi được hỏi về việc suốt 4 năm qua, ngày nào cũng phải có mặt tại cơ sở để nhận thuốc, ông có khi nào cảm thấy muốn từ bỏ, ông cho biết: "Sau khi uống methadone không lâu, tôi đã bỏ hẳn ma túy. Thời gian ấy, mình như được sinh ra một lần nữa, gia đình hòa thuận hơn, các mối quan hệ xã hội dần tốt lên, kinh tế gia đình cũng phục hồi. Vì vậy, suốt 4 năm điều trị, dù lúc ốm đau, trời mưa gió, rét mướt, tôi vẫn cố gắng không bỏ thuốc ngày nào, tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để bảo vệ cuộc sống mới ấy của mình".

Trên 90% bệnh nhân của Cơ sở điều trị methadone Noong Bua tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc đều đặn mỗi ngày.

Không giống như ông M. có  cuộc sống êm ấm, cơ hội bù đắp cho gia đình sau những ngày lầm lỗi, anh Lò Văn Q. (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) mới tham gia điều trị tại Cơ sở điều trị methadone Noong Bua được gần 6 tháng, sức khỏe dần ổn định nhưng gia đình hạnh phúc ngày nào của anh đã không còn. Trước đây, anh đi bốc vác thuê để lấy tiền mua ma túy. Không thắng nổi những cơn thèm thuốc, anh ngày càng lún sâu vào ma túy. Cho đến khi tỉnh cơn mê muội thì nhà cửa, ruộng vườn đều đã tan hoang, vợ bỏ đi, con nhỏ mới 4 tuổi phải nhờ mẹ già nuôi nấng, bản thân mình thì đã mang căn bệnh thế kỷ. Động lực lớn nhất làm lại cuộc đời của anh Q. là đứa con thơ. Anh tâm sự: "Giờ tôi không còn sử dụng ma túy nữa, vẫn đi làm thuê nhưng đã dành dụm được tiền để thêm thắt vào nuôi con. Mỗi khi ngại đường xa hay có người thuê bốc vác nhưng chưa uống thuốc, tôi lại phải đấu tranh trong tư tưởng, quyết đi uống đều đặn vì những ngày tháng ngắn ngủi còn lại có thể bên cạnh con”.

Để các bệnh nhân đều "cắt đứt" hoàn toàn với ma túy như ông M. hay anh Q., không chỉ nhờ sự quyết tâm, kiên trì điều trị của chính người bệnh mà trong đó còn có công lao các cán bộ y tế. Họ cũng kiên trì theo dõi sự thay đổi của bệnh nhân mỗi ngày, nhẹ nhàng khuyên bảo nhưng cũng không thiếu cứng rắn đối với những bệnh nhân chưa tuân thủ điều trị. Các bệnh nhân đến đây đều được cán bộ Cơ sở tư vấn, hướng dẫn tận tình, từ việc thực hiện phác đồ điều trị, phòng chống HIV/AIDS đến kỹ năng từ chối khi bị rủ rê sử dụng ma túy, hòa nhập cộng đồng… Đối với bệnh nhân không tuân thủ điều trị hay tự ý bỏ liều, cán bộ tìm hiểu lý do, trực tiếp vận động, phối hợp với gia đình khuyên nhủ người bệnh. Cơ sở duy trì chế độ tư vấn đối với bệnh nhân mới: 3-4 lần/tháng, bệnh nhân cũ 3 tháng/lần. Không chỉ tư vấn định kỳ, theo lịch mà bất cứ khi nào người bệnh cần, cán bộ tư vấn luôn sẵn sàng tiếp đón. Chị Đinh Thị Chung, tư vấn viên của Cơ sở điều trị methadone Noong Bua, cho biết: “Mỗi ngày tôi tư vấn cho khoảng 10 bệnh nhân. Không chỉ xin tư vấn, trợ giúp, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến công tác điều trị, bệnh nhân còn có nhu cầu được chia sẻ nhiều vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Đôi khi họ chỉ cần mình lắng nghe. Tôi luôn tạo cho họ cảm giác thoải mái, khuyến khích họ nói ra những trăn trở và cho họ những lời khuyên trong tầm hiểu biết của mình để những buổi tư vấn, chia sẻ đạt kết quả tốt nhất”. Ông Phan Văn M. cũng chia sẻ thêm: "Suốt 4 năm điều trị, các cán bộ trong trung tâm đối với tôi đều rất gần gũi, thân tình. Tôi tìm đến các cán bộ xin tư vấn bất cứ khi nào mình cần. Tôi có được như ngày hôm nay, cũng một phần nhờ vào công của họ”.

Cơ sở điều trị methadone Noong Bua là 1 trong những cơ sở điều trị methadone đầu tiên được mở trên địa bàn tỉnh ta. Hiện Cơ sở đang điều trị cho 681 bệnh nhân. Họ có thể có địa vị xã hội, gia cảnh khác nhau nhưng bước vào đây, họ đều chung mong muốn "đoạn tuyệt" hoàn toàn với ma túy. Bệnh nhân của trung tâm đến từ nhiều xã, phường khác nhau trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, việc điều trị đòi hỏi bệnh nhân phải trực tiếp đến cơ sở nhận thuốc hàng ngày, gây khó khăn, tâm lý “ngại xa” cho không ít bệnh nhân, nhưng hầu hết họ đều “vượt qua được chính mình” để kiên trì theo chương trình. Ông Trịnh Thế Quyền, bác sĩ điều trị Cơ sở điều trị Methadone Noong Bua, cho biết: "Chỉ còn dưới 20% người bệnh vẫn sử dụng ma túy sau 6 tháng điều trị, trên 90% bệnh nhân tuân thủ tốt điều trị, không có ca nhiễm mới HIV trong bệnh nhân của Cơ sở. Cả người bệnh và cán bộ y tế Cơ sở đều quyết tâm phấn đấu vì mục tiêu loại bỏ hoàn toàn ma túy". Ngoài ra, nhiều bệnh nhân không chỉ điều trị tốt mà còn tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyên truyền về lợi ích, cách tham gia chương trình cho nhiều người nghiện ma túy khác trên địa bàn biết đến và có thể hưởng lợi từ chương trình như mình. Đây là những kết quả tích cực mà Cơ sở điều trị methadone Noong Bua đã đạt được, là thành quả đến từ sự kiên trì của cả người bệnh và đội ngũ cán bộ y tế.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top